Báo Kompas dẫn lời ông Sugeng Pribadi, Phó giám đốc Văn phòng quản lý động đất thuộc Cơ quan địa vật lý và khí tượng Indonesia cho biết cơn sóng thần đầu tiên, xuất hiện trong khoảng từ 1 - 2 phút sau trận động đất mạnh 7,5 độ, chủ yếu ảnh hưởng đến thành phố Palu, thủ phủ tỉnh Trung Sulawesi và thị trấn duyên hải Donggala.
Cơn sóng thần thứ hai xảy ra 5 phút sau động đất đã suy yếu trước khi đổ vào bờ biển, trong khi cơn sóng thần thứ 3 và là cơn sóng cao nhất xuất hiện 10 phút sau động đất.
Theo ông Sugeng, mặc dù tâm chấn của trận động đất gần Donggala, nhưng sóng thần lại xảy ra ở Palu, do đó, việc sóng thần xuất hiện không chỉ bởi động đất mà còn do hiện tượng lở đất dưới đáy biển.
Chính phủ Indonesia cho biết tính đến 13h ngày 9/10, số nạn nhân thiệt mạng do động đất, sóng thần ở Trung Sulawesi lên tới 2.010 người, trong khi số người bị thương là 10.679 người. Hiện vẫn còn 671 người mất tích, 67.310 ngôi nhà bị hư hại và 82.775 người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. Theo kế hoạch, lực lượng chức năng sẽ dừng tìm kiếm các nạn nhân từ ngày 11/10, tập trung vào quá trình phục hồi, tái thiết.