Thế hệ thứ ba của các nhà du hành vũ trụ châu Âu gồm năm phi hành gia chuyên nghiệp, 11 thành viên dự bị và một phi hành gia bị khuyết tật về thể chất. Nững người này sẽ tham gia vào dự án nhằm đưa các phi hành gia khuyết tật vào lên vũ trụ và tham gia vào các sứ mệnh trong tương lai. Họ đã được chọn lựa từ hơn 22.500 ứng viên trên khắp châu Âu.
“Lớp phi hành gia này của ESA đang mang lại tham vọng, tài năng và sự đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau để thúc đẩy nỗ lực và tương lai của chúng ta”, Tổng giám đốc ESA Josef Aschbacher phát biểu.
Năm tân binh gồm ba nam và hai nữ, sẽ trải qua 12 tháng huấn luyện cơ bản tại Trung tâm Phi hành gia châu Âu ở Cologne, Đức. Các ứng cử viên này gồm là Sophie Adenot, Pablo Álvarez Fernández, Rosemary Coogan, Raphaël Liégeois và John McFall.
Đây là lần đầu tiên cơ quan vũ trụ này thành lập nhóm phi hành gia dự bị, bao gồm các ứng viên đã hoàn thành quá trình tuyển chọn nhưng không được tuyển dụng.
Ông John McFall, bác sĩ kiêm vận động viên khuyết tật Paralympic người Anh, chia sẻ bản thân đã bị thôi thúc phải nộp đơn ứng tuyển khi nhìn thấy tờ quảng cáo của ESA về một phi hành gia bị khuyết tật. Ông đã bị cắt cụt bên chân phải sau tai nạn xe máy năm 19 tuổi.
“Tôi nghĩ mình sẽ là một ứng cử viên rất sáng giá để giúp ESA trả lời câu hỏi mà họ đang đặt ra 'Chúng ta có thể đưa một người khuyết tật vào không gian không?'”, ông McFall nói.
Quy định tuyển dụng của ESA dành cho các ứng viên khuyết tật là những người bị khuyết tật chi dưới hoặc những người thấp dưới 130 cm.
ESA đã tham gia chặt chẽ vào sứ mệnh Artemis của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nhằm đưa con người trở lại mặt trăng. Và ESA hy vọng rằng người châu Âu đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng sẽ nằm trong số các phi hành gia mới này.
Hôm 23/11, ESA cũng đã nhất trí khoản ngân sách mới trị giá 16,9 tỷ euro cho ba năm tới – tăng 17% so với năm 2019.