Nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài, Tsang Tsz-Kwan trông chẳng khác gì những nữ sinh khác ở Hong Kong với mái tóc đen châu Á, chiếc váy màu xanh kiểu xường xám ôm vào người. Nhưng ẩn giấu bên trong vẻ ngoài giản đơn và tính cách ngại ngùng của cô gái này là cả một nghị lực phi thường.Cô gái giàu nghị lực đọc chữ bằng môi Tsang. Ảnh: Internet |
Tsang Tsz-Kwan năm nay 20 tuổi, bị mù và khiếm thính nặng từ nhỏ. Không chỉ vậy, đôi bàn tay của cô gái ham học, thích đọc nàycòn thiếu đi sự nhạy bén của xúc giác khiến cho việc nhận biết chữ nổi Braille với cô trở thành bất khả khi. Vậy nhưng, trong cuộc thi tuyển sinh đại học mới đây, Tsang đã xuất sắc lọt vào tốp 5% những học sinh có bài thi đạt điểm cao nhất của thành phố.
Tuyên chiến với số phậnKhông chấp nhận cảnh sống “an phận thủ thường”, cô bé Tsang ngày ấy đã tìm ra cách riêng để đọc được chữ Braille. Nếu như những người khiếm thị bình thường có đôi bàn tay để “đi”vào thế giới thì với bản thân Tsang, cô cảm nhận thế giới bằng đôi môi của mình.
Theo cô Mee-Lin Chiu, một giáo viên tại trường Ebenezer, trường học duy nhất ở Hong Kong dành cho những học sinh mù, Tsang là học sinh duy nhất ở Ebenezer sử dụng môi để đọc và là trường hợp duy nhất mà cô biết ở Hong Kong. Cô Chiu kể lại: “Hồi còn ở lớp 1, tôi đã chú ý thấy cô bé luôn nghiêng người về phía trước. Cô bé nói với tôi rằng cô bé làm vậy là bởi có thể đọc dễ dàng hơn bằng môi thay vì bằng tay”.
Chính bản thân Tsang cũng thừa nhận: “Tôi biết đó không phải là một phương pháp đọc chữ thường thấy và nó nghe khá là kì lạ. Thậm chí chính tôi cũng không biết nó đã xuất hiện như thế nào”.
Mặc dù cũng như lưỡi và các ngón tay, môi cũng là một cơ quan xúc giác nhạy cảm, có thể cảm nhận được hai điểm chỉ cách nhau từ 1 – 3 mm, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc đọc chữ bằng môi dễ dàng với Tsang. Đó là còn chưa kể những quyển sách Braille thường lớn và nặng, càng gây khó khăn cho việc đọc.
Tsang nói: “Ban đầu không có ai có thể chấp nhận việc này. Thậm chí ngay cả bây giờ, nhiều người vẫn thấy nó kì quặc… Đó là lí do vì sao lúc đọc ở những nơi công cộng và trước những người không thân thiết, tôi vẫn cảm thấy ngại ngùng”.
Ra “biển lớn”Những tưởng tại Ebenezer, nơi Tsang có điều kiện kết bạn trong môi trường lớp học chỉ có 10 học sinh có cùng hoàn cảnh, nơi tài liệu đều đã được trình bày bằng chữ nổi Braille và giáo viên cũng được đào tạo bài bản để làm việc với học sinh mù, Tsang đã tìm thấy một chốn dừng chân ưng ý cho mình. Thế nhưng, từ năm lớp 7, cô gái nhỏ bé đã quyết định chuyển đến một trường nữ sinh thông thường để đưa mình vào một môi trường xa lạ hơn với bản thân nhưng lại gần gũi hơn với cuộc sống thường nhật.
Tsang tâm sự về "tầm nhìn chiếc lược" của mình: “Nếu không có can đảm tự thử thách bản thân, chắc chắn không có cách nào có thể thành công được. Tôi phải tự chuẩn bị để thích nghi với xã hội sau khi ra trường và phải bước vào môi trường làm việc”.
Thời gian đầu tại ngôi trường mới, nơi lớp học có đông học sinh hơn, giáo viên lại không có kinh nghiệm làm việc với học sinh mù là khoảng thời gian Tsang rèn luyện ý chí và tính tự lập cao, nếu không cần thiết phải nhờ cậy ai, cô sẽ tự mình hoàn thành công việc. Không đọc được chữ in, Tsang gửi tất cả những tài liệu đó đến Ebenezer hoặc Trung tâm Xã hội dành cho người mù Hong Kong để chuyển sang chữ nổi. Tsang cũng phải gồng mình lên để theo kịp các bạn trong lớp vì việc đọc và viết ngốn của cô gấp đôi thời gian của một học sinh bình thường.
Nhớ lại quãng thời gian đã qua, Tsang nói: “Tôi cảm thấy rất biết ơn mọi người vì đã chấp nhận, xem tôi là một người bình thường trong các mối quan hệ xã hội của mình và đã tận tình hỗ trợ, động viên tôi rất nhiều trong những năm qua”.
Không phụ công sức khổ luyện, giờ đây, Tsang đã đỗ vào một trường đại học ở Hong Kong với kết quả cao “hơn cả mong đợi của bản thân”. Trong kì thi vừa qua, Tsang đạt điểm tuyệt đối 5** trong môn tiếng Trung, tiếng Anh và Nghiên cứu tự do, 5* cho môn Văn học Trung và Văn học Anh, 4 cho môn Toán. Tsang vui mừng cảm thấy "công sức học tập chăm của mình đã được đền đáp xứng đáng" và cho biết thêm cô muốn học biên dịch vào học kì tới để có “một sự phát triển cân bằng trong cả tiếng Trung và tiếng Anh”. Cô kể về mong ước của mình: “Bất kì lúc nào gặp một quyển sách cuốn hút và cảm động, tôi đều muốn có thể dịch chúng ra những ngôn ngữ khác để chia sẻ với nhiều bạn đọc hơn nữa”.
Chia sẻ với những người khác, Tsang nói: “Tôi sẽ trân trọng những gì mình đang có... Tôi muốn động viên tất cả mọi người, hãy có can đảm và kiên trì để có thể đi qua những thăng trầm trong cuộc sống bởi vì tôi biết rằng ai trong chúng ta cũng có khó khăn riêng. Nhưng có một điều chắc chắn: Nếu bạn thực sự quyết tâm làm điều gì đó, bạn sẽ tìm ra con đường đi cho mình”.
Anh Minh (Theo CNN)