Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, giáo sư Leshem nhận định, Việt Nam là một đất nước rộng lớn với dân số đông; vì vậy, tại thời điểm hiện nay nên ưu tiên tiêm vaccine sớm cho người lớn tuổi và những người có tình trạng bệnh nền dễ bị tổn thương, chẳng hạn các bệnh nhân ung thư đang được điều trị.
Ngoài ra, Việt Nam là một trong những nước có năng lực sản xuất vaccine và nếu có thể tự sản xuất vaccine phòng chống COVID-19 ở trong nước thì rất nên làm sớm, để có thể vừa nhanh chóng phủ sóng vaccine cho người dân, đồng thời hỗ trợ năng lực nghiên cứu khoa học và sản xuất tại Việt Nam.
Theo giáo sư Leshem, thực tế tại Israel cho thấy, tính đến tháng 4 vừa qua, khi chỉ có biến thể Alpha lần đầu xuất hiện tại Anh xâm nhập vào Israel, chiến dịch tiêm vaccine đã tạo ra một sự bảo vệ rất tốt cho người dân, giống như là một dạng của “miễn dịch cộng đồng”. Số ca nhiễm mới giảm xuống còn dưới 20 ca/ngày và sau đó không tăng lên như một số nước khác. Nhờ vậy, Israel đã nối lại hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, cho phép tụ tập đông người, cho phép khách du lịch nước ngoài.
Tuy nhiên, với biến thể mới từ Ấn Độ, biến thể Delta, dường như vaccine ít có hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn lây nhiễm. Do đó, tình trạng “miễn dịch cộng đồng” tại Israel đã giảm xuống. Tuy nhiên, không vì thế mà hiệu quả bảo vệ của việc tiêm vaccine mất đi. Trong làn sóng lây nhiễm mới, tốc độ lây lan của dịch bệnh chậm hơn rất nhiều; số ca nhiễm mới ít hơn so với các làn sóng dịch bệnh hồi năm ngoái.
Chính phủ Israel mới đây đã xác định lại chiến lược phòng chống COVID-19; theo đó sẽ tập trung vào việc nâng cao nhận thức chống dịch của người dân, thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh y tế thay vì phong tỏa xã hội. Về vấn đề này, giáo sư Leshem cho rằng, khi nói đến các loại virus thì rất khó có thể khẳng định là sẽ tiêu diệt được hoàn toàn. Vì vậy, chính phủ Israel sẽ tiếp tục coi vaccine là một biện pháp hiệu quả để chống COVID-19; tập trung ngăn chặn sự lây nhiễm của virus SAR-Cov-2 thông qua một số biện pháp giãn cách xã hội, nhưng sẽ tránh việc đóng cửa trường học và các hoạt động thương mại. Tại Israel, hầu hết dân số lớn tuổi (90% người trên 50 tuổi) đã được tiêm phòng vaccine đầy đủ và nhóm dân số này có khả năng bảo vệ rất tốt trước dịch bệnh.
Ngày 14/7/2021, Bệnh viện Sheba tại Tel Aviv (Israel) đã chính thức triển khai chiến dịch tiêm mũi vaccine Pfizer/BioNTech thứ ba cho các bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu, bao gồm những người từng được ghép tim, phổi, thận hoặc có bệnh nền như ung thư, dễ bị nhiễm virus. Giáo sư Leshem cho biết đã có bằng chứng cho thấy một số nhóm đối tượng không có sức miễn dịch tốt sau khi được tiêm 2 mũi vaccine COVID-19, do đó Bộ Y tế Israel đã cho phép tiêm mũi vaccine thứ ba cho các nhóm đối tượng này. “Tuy nhiên, với những người dân bình thường khác, chúng tôi không có bằng chứng y học nào cho thấy sự cần thiết của việc tiêm mũi vaccine thứ ba cho toàn bộ người dân Israel”, giáo sư Leshem khẳng định.