Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh đã có cuộc trao đổi với nhà báo Ngụy Vi – Trưởng Ban tiếng Việt Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc về một số vấn đề liên quan.
Nhà báo Ngụy Vi cho biết, những năm gần đây, Trung Quốc dùng mô hình chuyển đổi số hóa để thúc đẩy phát triển kinh tế chất lượng cao. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin số là nền tảng quan trọng để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, bao gồm các lĩnh vực như: các cơ sở hạ tầng mạng như mạng 5G/6G, Internet vệ tinh, mạng viễn thông thế hệ mới...; các cơ sở hạ tầng dịch vụ thông tin như trung tâm điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu lớn, mặt bằng dịch vụ Internet công nghiệp, mặt bằng dịch vụ Internet vạn vật...; các cơ sở hạ tầng hỗ trợ việc đổi mới khoa học - công nghệ như trung tâm siêu điện toán cũng như các cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng hỗ trợ quản trị xã hội, dịch vụ công và ứng dụng thông tin trong các ngành công nghiệp trọng điểm.
Ngoài ra, mấu chốt trong việc chuyển đổi số nằm ở con người. Trung Quốc coi trọng xây dựng đội ngũ nhân tài kỹ thuật số, mở rộng các kênh phát triển nhân tài, cải thiện chính sách nhân tài kỹ thuật số, đồng thời kiên trì tiến hành việc thu hút và đào tạo nhân tài, xây dựng mặt bằng nhân tài kỹ thuật số.
Nền kinh tế số đòi hỏi người dân có kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh và sở hữu điện thoại thông minh. Tuy nhiên, không phải tất cả 100% người dân đủ khả năng tài chính để sở hữu loại điện thoại này. Về cách thức xử lý của Chính phủ Trung Quốc, nhà báo Ngụy Vi cho biết, việc phát triển nền kinh tế số thực sự có yêu cầu cao hơn đối với năng lực sử dụng thiết bị kỹ thuật số của người dân, đặc biệt là các sản phẩm thông minh như điện thoại thông minh đều có những yêu cầu nhất định về khả năng mua cũng như năng lực sử dụng của người dân đối với những sản phẩm thông minh này.
Nhìn từ góc độ kinh tế, những năm gần đây, các địa phương Trung Quốc liên tục đưa ra các chính sách trợ cấp riêng biệt. Ví dụ như về điện thoại thông minh, chính quyền địa phương, ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc đã hợp tác đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi như trợ cấp mua điện thoại di động, chương trình rút thăm trúng thưởng và ưu đãi của các nhà mạng viễn thông... nhằm đẩy nhanh doanh số bán điện thoại thông minh. Số liệu cho thấy, tính đến năm 2022, Trung Quốc đã có hơn 970 triệu người dùng điện thoại thông minh, đứng đầu thế giới.
Ngoài ra, nhằm thu hẹp "khoảng cách kỹ thuật số", Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp dịch vụ dành cho các "nhóm người yếu thế về kinh tế số" như người già, người sống ở vùng sâu vùng xa. Chẳng hạn như ở thủ đô Bắc Kinh, trong năm 2022, các cơ quan liên quan đã triển khai công tác xoay quanh 7 nhiệm vụ trọng điểm như tiêu dùng, khám chữa bệnh, dịch vụ thủ tục cho người cao tuổi cũng như đảm bảo dịch vụ cho người cao tuổi trong trường hợp khẩn cấp, thúc đẩy 28 biện pháp cụ thể được thực hiện một cách thiết thực. Đồng thời với việc triển khai 2 công trình lớn là "Kết nối thôn làng" và "Thí điểm dịch vụ phổ cập viễn thông" đi vào chiều sâu, đại đa số nông dân đã bắt kịp nhịp bước thời đại Internet, được hưởng lợi ích của xã hội thông tin.
Đi kèm với sự thuận tiện, các hoạt động giao dịch trên không gian mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro như lộ lọt thông tin cá nhân, lừa đảo… Nhà báo Ngụy Vi cho biết, để ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ này, Chính phủ Trung Quốc tăng cường hoàn thiện hệ thống pháp luật và pháp quy, xây dựng cơ chế đảm bảo an ninh mạng, tăng cường bảo vệ an ninh dữ liệu nhằm đảm bảo sự phát triển và an ninh của nền kinh tế số.
Thông qua việc ấn định "Luật Thương mại điện tử", "Luật An ninh mạng", v.v... Trung Quốc đã quy phạm và quy định về nền kinh tế dựa trên cơ sở hạ tầng Internet, thương mại điện tử, an ninh mạng... đảm bảo sự phát triển có trật tự của kinh tế số. Trung Quốc đã xây dựng hệ thống bảo vệ an ninh mạng quốc gia, tăng cường nghiên cứu phát triển và ứng dụng của công nghệ an ninh mạng, thúc đẩy sự phát triển của ngành an ninh mạng, không ngừng tăng cường bảo vệ an ninh mạng. Trung Quốc cũng tăng cường khả năng giám sát và ứng phó với các rủi ro an ninh mạng, thông qua các biện pháp như xây dựng hệ thống quản lý an ninh dữ liệu, tăng cường bảo vệ dữ liệu quan trọng, hoàn thiện cơ chế giám sát an ninh dữ liệu… nhằm phát hiện và ứng phó kịp thời các mối đe dọa an ninh mạng, đảm bảo nền kinh tế số vận hành an toàn. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường quản lý các luồng dữ liệu xuyên biên giới để đảm bảo tính an ninh và tính hợp pháp của dữ liệu.
Đối với các doanh nghiệp, nền kinh tế số mang lại nhiều cơ hội tiếp cận và chia sẻ thông tin, kiến thức với các cộng đồng có chung lợi ích và mang lại hợp tác trong các dự án sản xuất cùng nhau. Theo nhà báo Ngụy Vi, với việc số hóa đã bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng, nếu các doanh nghiệp muốn nắm bắt cơ hội mà kinh tế số mang lại nhằm đạt được sự phát triển chất lượng hơn, bền vững hơn, an toàn hơn, trước tiên cần phải tìm hiểu chính sách của nhà nước về khuyến khích sự phát triển của kinh tế số, nắm bắt thời cơ, tận dụng tốt các chính sách, phát huy tối đa tác dụng thúc đẩy phát triển của các chính sách liên quan. Thứ hai, dựa vào chuyển đổi kỹ thuật số, các doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu suất, tối ưu hóa mô hình kinh doanh, nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng, mở ra cơ hội thương mại mới. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về chuyển đổi số, làm rõ mục tiêu, phương hướng chuyển đổi số và lựa chọn con đường chuyển đổi số phù hợp với mình. Đồng thời, cũng cần chú ý đến những vấn đề, rủi ro có thể gặp phải trong quá trình chuyển đổi số, tích cực ứng phó và áp dụng biện pháp tương ứng. Thứ ba, các doanh nghiệp cần coi việc phát triển nhân tài về kỹ thuật số là nhiệm vụ quan trọng để phát triển doanh nghiệp, cần phải kết hợp với xu thế phát triển của kinh tế số, cải thiện việc bồi dưỡng và thu hút nhân tài, có kế hoạch đào tạo nhân tài từ góc độ chiến lược.