Đài BBC (Anh) dẫn lời chuyên gia WHO David Nabarro nói: “Một số hình thức bảo vệ khuôn mặt sẽ trở thành tiêu chuẩn. Ông Nabarro cũng cho biết đây dự kiến là “thực tế mới” tồn tại lâu dài bởi virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ “không biến mất”.
Theo ông Nabarro, các nhà khoa học chưa thể xác định được liệu bệnh nhân có thể hình thành miễn dịch ngay cả khi họ âm tính với SARS-CoV-2 hay không. Thêm vào đó, cần một thời gian nữa để sản xuất vaccine do vậy điều này đồng nghĩa với việc người dân phải thích nghi với hành động họ đang thực hiện là đeo khẩu trang, giãn cách xã hội.
Việc ngăn lây lan virus sẽ tương tự như điều từng xảy ra sau “phát hiện nước bẩn gây tiêu chảy năm 1850 và HIV/AIDS lây truyền qua đường tình dục”.
Dưới đây là video sản xuất khẩu trang y tế tăng cường tại Trung Quốc (nguồn: RT):
Nhu cầu về khẩu trang và máy thở đã tăng vọt sau khi dịch COVID-19 bùng phát. Nhiều cơ sở y tế trên thế giới thiếu hụt thiết bị bảo hộ cần thiết. Thông thường, nhân viên y tế cần trang bị khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân có dấu hiệu mắc hoặc dương tính với SARS-CoV-2.
Truyền thông và giới khoa học thế giới đã có ý kiến trái chiều về việc đeo khẩu trang đại trà. Một phe cho rằng đeo khẩu trang là thiết yếu để tránh lây lan virus, phe còn lại cho rằng chỉ những người có triệu chứng hoặc ốm yếu mới cần sử dụng khẩu trang, và rằng khẩu trang thương mại thông thường không có tác dụng.
WHO trong khi đó cho rằng khẩu trang y tế có thể “hạn chế lây truyền một số bệnh liên quan tới đường hô hấp, trong đó có COVID-19”.