Chuyên gia dự báo gì về quan hệ giữa Tổng thống Trump và Trung Quốc năm 2018?

Các chuyên gia dự đoán năm 2018 mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Trung Quốc sẽ mang một màu xám.

Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016, ông Trump đã hứa hẹn “cứng rắn” hơn về thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, khi bước chân vào Nhà Trắng, giọng điệu của Tổng thống Trump đã thay đổi. Thay vì “gắn mác” Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ như hứa hẹn, ông Trump lại mở đối thoại với Bắc Kinh về cải thiện mối quan hệ kinh tế và để cuộc điều tra sang bên lề.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 9/11. Ảnh: Reuters

Nhà nghiên cứu chuyên về châu Á Louis Kuijs tại công ty Oxford Economics (Anh) đánh giá: “Bất chấp những ngôn từ mạnh mẽ một năm trước đây, chính quyền Mỹ lại tránh áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc”.

Tuy nhiên, sau thời gian nồng ấm này, các chuyên gia dự đoán năm 2018 sẽ có nhiều gập ghềnh trong quan hệ giữa Tổng thống Trump và Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại


Kênh CNN (Mỹ) đánh giá rằng Tổng thống Trump đã “nhẹ giọng” với Bắc Kinh về thương mại nhằm kỳ vọng Trung Quốc tạo áp lực lên CHDCND Triều Tiên liên quan tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Nhưng trong những tháng tới, chính quyền đương nhiệm Mỹ dự định công bố kết quả một số cuộc điều tra, trong đó gồm các vấn đề như thép và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, có thể dẫn đến tăng thuế đánh vào hàng hóa của Trung Quốc.

Ông Scott Kennedy tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) nhận định: “Tôi cho rằng chiến tranh thương mại sẽ nổi lên trong đầu năm 2018 và nó có thể chuyển biến thành xung đột nghiêm trọng đe dọa tới các yếu tố khác trong mối quan hệ”.

Ngày 18/12, Tổng thống Mỹ đã để Trung Quốc trong tầm ngắm khi công bố chiến lược an ninh quốc gia. Theo đó, Tổng thống Trump coi Trung Quốc và Nga là các đối thủ “nỗ lực ăn mòn an ninh và thịnh vượng của Mỹ”. Ông chủ Nhà Trắng đồng thời cáo buộc Trung Quốc có hành vi thương mại không công bằng.

Ngày 19/12, Trung Quốc cũng đưa ra câu trả lời của quốc gia này đối với phát biểu của Tổng thống Mỹ. Bắc Kinh kêu gọi Washington từ bỏ tâm lý thời Chiến tranh Lạnh và “ngừng bóp méo” các ý định chiến lược của Trung Quốc.

Bà Mireya Solis tại Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ) đánh giá: “Chúng ta đều biết rằng điều này sẽ tăng nhiệt trong vài tháng tới”.

Bà Solis đồng thời chỉ ra rằng đối đầu kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc hoàn toàn khác biệt so với sự kiện tương tự trong thập niên 80 của thế kỷ trước giữa Washington và Tokyo. Nguyên nhân là Mỹ và Nhật Bản vốn là đồng minh trong khi Washington cùng Bắc Kinh lại không có mối quan hệ đối tác như vậy.

Tổn thương với cả hai nền kinh tế

Tổng thống Trump cũng phải đối mặt với thách thức lớn để thuyết phục Trung Quốc ngừng bảo hộ công nghiệp trong nước đồng thời mở cửa thị trường của quốc gia này mà không châm ngòi chiến tranh thương mại gây tổn thương thị trường việc làm Mỹ.

Ông David Dollar cho rằng trong khi Mỹ muốn áp dụng các biện pháp mạnh mẽ thì điều này có thể gây rủi ro làm tổn thương tới cả hai nền kinh tế. Ông Dollar, một cựu nhân viên Bộ Tài chính Mỹ, cho rằng lựa chọn “lớn tiếng” với Trung Quốc của Nhà Trắng chưa hẳn đã đem đến kết quả mong đợi.

Bên cạnh đó, việc Tổng thống Trump không mặn mà với thương mại đa quốc gia còn khiến mục tiêu đặt áp lực để Trung Quốc “chơi đẹp” càng trở nên khó khăn. Chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Brookings, ông David Dollar đánh giá rằng nếu hiệp Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành công, Trung Quốc sẽ có lý do để phải thay đổi hành vi nhưng trong tháng 1, Tổng thống Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi hiệp định thương mại này.

Chính phủ Trung Quốc lo lắng


Chuyên gia về ngoại giao kinh tế Trung Quốc tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, ông Song Guoyou đánh giá “chính phủ Trung Quốc lại lo lắng”. Ông Guoyou dự đoán rằng năm 2018 sẽ là “khởi đầu của hỗn loạn trong mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung Quốc”.

Các chuyên gia cho rằng vấn đề lớn nhất nằm ở việc Tổng thống Trump tập trung vào thâm hụt thương mại trị giá 309 tỉ USD với Trung Quốc mà không quan tâm tới mối quan hệ kinh tế rộng lớn hơn giữa hai quốc gia.

Ông Kennedy phân tích: “Cán cân thương mại không thể ảnh hưởng tới việc Trung Quốc có công bằng hay không. Trên thực tế, nếu Trung Quốc giảm các rào chắn để nhà đầu tư nước ngoài bước chân vào thị trường quốc gia này thì thặng dư thương mại với Mỹ có thể tăng lên”.

Dường như Tổng thống Trump đang cố gắng giảm thâm hụt thương mại bất kể điều đó có dẫn tới xung đột hay không. Ông Kennedy đưa ra cảnh báo: “Việc rơi vào chiến tranh thương mại dễ hơn nhiều so với việc thoát khỏi nó”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Chiến lược an ninh mới, chiến lược cho 'Nước Mỹ trước tiên'
Chiến lược an ninh mới, chiến lược cho 'Nước Mỹ trước tiên'

Với mục tiêu cụ thể là củng cố tầm ảnh hưởng của nước Mỹ trong một thế giới chuyển động không ngừng với nhiều thách thức truyền thống và phi truyền thống, Chiến lược An ninh quốc gia mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố là sự tiếp nối chương trình nghị sự “Nước Mỹ trước tiên” xuyên suốt trong chiến dịch vận động tranh cử và 11 tháng cầm quyền vừa qua của ông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN