Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, anh Lukas Ng, 32 tuổi, giám đốc một công ty công nghệ quảng cáo, thường nói với bạn bè rằng anh muốn mắc COVID-19. Ng, đã tiêm hai mũi vaccie Pfizer, nhận kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 14/2. Mặc dù vậy, Ng cho biết điều đó đã không đến sớm như anh nghĩ. Trước đó, bạn gái của anh đã dương tính với virus SARS-CoV-2, nhưng anh cố tình không cách ly và vẫn dành thời gian ở cạnh cô khi ở nhà. Tám ngày sau, anh nhận được kết quả dương tính.
“Biến thể Omicron gây triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với các biến thể trước đó. Vì vậy, nhiễm biến thể này là điều thật hợp lý. Tôi có thể hình thành ‘bức tường’ miễn dịch trước dịch bệnh này”, Ng chia sẻ.
Tâm lý muốn mắc COVID-19 cho qua không phải là tiêu chuẩn ở Singapore, mà điều đó thể hiện sự thay đổi rõ rệt trong thái độ của người dân với đại dịch này, đặc biệt là những người trẻ, khoẻ mạnh hơn.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình hồi tháng 10/2021, Thủ tướng Lý Hiển Long đã kêu gọi người dân cần đổi mới tư duy về COVID-19: “Chúng ta cần tôn trọng COVID-19, tuy nhiên chúng ta cũng không nên để bị tê liệt vì nỗi sợ hãi quá mức. Chúng ta hãy quan tâm đến hoạt động hàng ngày và trở lại càng bình thường càng tốt tuy nhiên vẫn phải có những sự thận trọng cần thiết. Không sớm thì muộn, ai trong chúng ta cũng sẽ nhiễm virus”.
Cô Ho Kai Xin, 32 tuổi, nhân viên ngân hàng, cho biết cô đã để tâm đến lời kêu gọi của Thủ tướng và đã không hạn chế các hoạt động xã hội của mình. Khi số ca nhiễm đang tăng cao trong thành phố, Ho vẫn lo lắng liệu mình có bị nhiễm virus hay không, nhưng cô chia sẻ rằng sẽ “nhẹ nhõm” hơn khi cuối cùng cũng mắc COVID-19.
Tính đến nay, khoảng 91% dân số Singapore đã được tiêm hai mũi vaccine và 2/3 người dân đã được tiêm mũi tăng cường. Thông thường, sau khi tự xét nghiệm, những người nhiễm virus đều tự phục hồi tại nhà nếu không bị suy giảm miễn dịch hoặc cao tuổi. Họ có trách nhiệm phải tự cách ly với những người khác trong thời gian tối đa 7 ngày. Nhưng hiện nay, có một số người chủ động không hạn chế tiếp xúc với người mắc COVID-19 trong gia đình để cố tình nhiễm virus.
Trước tình trạng này, các chuyên gia cảnh báo mọi người không nên cố tình tìm cách nhiễm bệnh. Hôm 22/2, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm David Lye cho biết: “Omicron chắc chắn là một điều may mắn hơn so với Delta, nhưng chưa phải lúc để chúng ta ăn mừng với biến thể này. Biến thể mới vẫn có khả năng ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương”.
Nguy cơ nhiễm virus ở Singapore đã tăng lên kể từ khi biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn xâm nhập vào quốc gia này. Số ca mắc trong 1 tháng trở lại đây chiếm gần một nửa trong tổng số 642.605 ca mắc ở Singapore tính từ đầu đại dịch. Hôm 23/2, quốc gia 5,45 triệu dân này đã ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục, với 26.032 trường hợp. Tuy nhiên, người dân không còn tâm lý lo sợ. Các khu trung tâm thương mại vẫn nhộn nhịp trong tuần với lượng khách ăn uống đông đúc. Điều này hoàn toàn trái ngược với một năm trước, khi chương trình tiêm chủng vẫn ở giai đoạn đầu.
Chloe Ng, 35 tuổi, và 4 thành viên trong gia đình cô vừa phục hồi sau khi mắc COVID-19. Cô chia sẻ: “Nếu vào 6 tháng trước, tôi sẽ rất lo lắng khi gia đình tôi mắc bệnh. Còn hiện tại, tôi đoán rằng virus đã phát triển và giống như bệnh cúm thông thường. Suy nghĩ của chúng tôi cũng đã thay đổi”.
Không giống như tâm lý của cô Chloe Ng, một bộ phận người dân Singapore vẫn rất thận trọng với COVID-19. Họ đều là những người bị rối loạn miễn dịch, hoặc sống trong gia đình có người già hoặc trẻ nhỏ dưới 5 tuổi chưa đủ điều kiện tiêm vaccine.
Bà Jenny Lim, 60 tuổi, là một trong số đó. Con trai và con dâu trưởng thành của bà đã nhiễm virus vào đầu tuần trước. Dù đã được tiêm mũi tăng cường, nhưng bà vẫn tránh tiếp xúc gần với họ để giữ sức khoẻ cho bản thân. Bà nói: “Tôi không muốn mắc COVID-19 để có thể chăm sóc con cháu khi chúng mắc bệnh”.
Với làn sóng lây nhiễm lan nhanh như hiện nay, gần 12% dân số Singapore đã nhiễm bệnh. Tuy nhiên, con số này vẫn thua xa tỉ lệ lây nhiễm ở những quốc gia như Anh, nơi khoảng 30% dân số đã mắc COVID-19. Ông Alex Cook, Phó hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock của Singapore, cho rằng nhiều người có khả năng miễn dịch với virus hơn là một dấu hiệu tốt.
Ông Cook cho biết Singapore đã nhận thấy ảnh hưởng của khả năng miễn dịch với tỉ lệ gia tăng các ca bệnh trong cộng đồng. Ông nói rằng số ca mắc hàng tuần đang chậm lại vì nhiều người tiếp xúc với virus đã nhiễm bệnh. “Không rõ có bao nhiêu người ở Singapore đã mắc bệnh, vì không phải tất cả các trường hợp đều được báo cáo, nhưng chúng tôi có thể đang đạt đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng”, ông nói. Nếu giống như các quốc gia khác, Singapore sẽ chứng kiến tình trạng số ca bệnh giảm trong những tuần tới
Tuy nhiên, chính phủ vẫn rất thận trọng. Trước đó, giới chức cam kết sẽ nới lỏng các hạn chế đi lại và giãn cách sau khi làn sóng nhiễm trùng Omicron đạt đến đỉnh điểm trong những tuần tới. Nhưng hôm 24/2, Singapore tuyên bố sẽ tạm hoãn kế hoạch này.
Chính quyền Singapore đã cảnh báo những người không có triệu chứng nghiêm trọng không nên đến bệnh viện và phòng khám. Singapore cũng đã đưa ra các hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Trong bản cập nhật mới nhất về những người chưa tiêm chủng vào cuối tháng trước, Singapore cho biết có 120.000 người trưởng thành ở nước này chưa tiêm vaccine. Những người này phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch dành riêng cho người chưa tiêm chủng. Họ sẽ không được đi ăn tối, đến trung tâm thương mại, siêu thị, rạp chiếu phim, phòng tập thể dục hoặc thậm chí là nơi làm việc.
Teo Yik Ying, Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết ông tin rằng tỉ lệ tiêm chủng ở Singapore đã đến mức bão hòa. Tuy nhiên, ông cho rằng nước này vẫn nên duy trì các biện pháp phòng dịch, hạn chế đi lại đối với những người chưa tiêm chủng, bảo vệ họ khỏi nhiễm bệnh và giúp đảm bảo các nguồn lực chăm sóc sức khỏe của đất nước.
Trong khoảng thời gian từ ngày 1/5/2021 đến 31/1/2022, 0,15% tổng số bệnh nhân COVID-19 ở Singapore đã tử vong. 1/3 trong số đó là những người từ 60 tuổi trở lên chưa tiêm chủng. Các chuyên gia nhận định tác động lớn nhất của đại dịch sẽ rơi vào những cá nhân này. Khi các quốc gia mở lại biên giới và các địa phương dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch, những người chưa tiêm chủng sẽ đi lại khắp nơi và lưu hành virus, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm và hình thành biến thể mới.