Theo quy định của Luật số 33 năm 2014 liên quan đến Bảo đảm Sản phẩm Halal (JPH), các sản phẩm nhập cảnh, lưu thông và giao dịch trên lãnh thổ Indonesia đều phải có chứng nhận Halal. Từ tháng 10, quy định về chứng nhận Halal đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống là bắt buộc, thay vì tự nguyện như trước đây.
BAZNAS là cơ quan chính thức của Indonesia chịu trách nhiệm nhận và phân phối nghĩa vụ tài chính Hồi giáo (bắt buộc và tự nguyện) của các doanh nghiệp cho những người cần hỗ trợ. Cơ quan này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, vừa và nhỏ (UMKM) để đạt được Chứng nhận Halal.
Chủ tịch BAZNAS, Tiến sĩ Noor Achmad đánh giá chứng nhận Halal là một bước chiến lược trong việc xây dựng văn hóa Halal. Trong 3 năm qua, BAZNAS đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp chứng nhận Halal cho hơn 1.000 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME); đồng thời đang tiếp tục hỗ trợ việc phát triển và mở rộng thị trường Halal tại Indonesia. Cơ quan này cũng đang đẩy nhanh quá trình chứng nhận Halal thông qua chương trình “đồng hành cùng sản phẩm Halal”, hướng tới một văn hóa Halal trong hệ sinh thái các sản phẩm dành cho người Hồi giáo.
Chương trình này không chỉ đáp ứng các yêu cầu kinh doanh mà còn nhằm nâng cao niềm tin của người tiêu dùng và xây dựng hình ảnh tốt cho các sản phẩm MSME, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, cả trong và ngoài nước.
Chứng chỉ Halal là giá trị gia tăng cho các sản phẩm MSME, từ đó tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt. Những nỗ lực của BAZNAS nhằm giúp MSME có được chứng nhận Halal là một bước thực chất trong việc hiện thực hóa nền kinh tế Hồi giáo toàn diện và bền vững của Indonesia.