Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Xyri từ chức

Ngày 24/5, Hội đồng Dân tộc Xyri (SNC) ra thông cáo cho biết Chủ tịch SNC Burhan Ghalioun đã chính thức từ chức nhằm tránh gây tình trạng chia rẽ trong nội bộ SNC sau khi các nhà hoạt động cáo buộc ông chuyên quyền.

Sau cuộc họp kéo dài hai ngày (23-24/5) tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), SNC đã chấp nhận đơn từ chức của ông Ghalioun và đề nghị ông tiếp tục đảm đương công việc cho tới khi có người thay thế. Dự kiến, SNC sẽ tiến hành bầu chủ tịch mới tại hội nghị diễn ra trong ngày 9-10/6 tới.

Trong thông cáo trên, SNC còn cáo buộc Đamát không muốn tuân thủ kế hoạch hòa bình sáu điểm do Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan đề xuất, do đó bạo lực vẫn tiếp diễn. SNC kêu gọi cộng đồng quốc tế lập tức hành động để đưa ra một cơ chế mới, thông qua Hội đồng Bảo an LHQ, nhằm buộc chính quyền Xyri chấm dứt "các hành động tội ác".


Ông Burhan Ghalioun đã tuyên bố từ chức vì những chỉ trích về sự lãnh đạo kém hiệu quả. Ảnh: Internet.



Ông Ghalioun đã được bầu làm Chủ tịch SNC ngày 15/3 trong một cuộc họp của Hội đồng tại Rôma (Italia). Ông cho biết sau khi từ chức Chủ tịch, ông sẽ vẫn là một thành viên của SNC và tiếp tục tham gia đấu tranh cho tới khi giành chiến thắng. Ông cũng kêu gọi tất cả các nhóm đối lập tại Xyri thống nhất với nhau. Trong khi đó, Ủy ban Điều phối Địa phương (LCC) của phe đối lập ở Xyri đã dọa sẽ loại bỏ SNC vì Hội đồng này thiếu sự phối hợp và "độc chiếm" quyền lực.

Liên quan đến vụ bắt cóc 12 người Hồi giáo dòng Shiite hành hương tại tỉnh Aleppo, giáp với Libăng, hôm 22/5, lực lượng Quân đội Tự do Xyri (FSA) đã lên tiếng bác bỏ mọi dính líu. Tổng thống Libăng Michel Suleiman đã lên án vụ bắt cóc. Trong khi đó, SNC kêu gọi sớm trả tự do cho các con tin.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Dầu mỏ Xyri Sufian Allaw cho biết các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt đã làm lĩnh vực dầu mỏ của Xyri bị tổn thất 4 tỷ USD và gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu ngay tại nước này. Ông cũng cho hay các cuộc đàm phán đang được tiến hành với Nga về một thỏa thuận năng lượng lâu dài trong khi một tàu của Vênêxuêla đã mang chở 35.000 tấn dầu thô tới Xyri tuần này, và hy vọng một chuyến tàu khác tương tự sẽ đến trong thời gian tới.

Trong khi đó, tình trạng đổ máu vẫn tiếp diễn dù thỏa thuận ngừng bắn đã kéo dài hơn một tháng qua. Hơn 12.600 người, đa số là dân thường, đã thiệt mạng kể từ khi làn sóng biểu tình bùng phát tại Xyri, và riêng từ khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực ngày 12/4, gần 1.500 người đã thiệt mạng.

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho biết Nga đã đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp giữa chính quyền Đamát với các đại diện của phe đối lập để giải quyết khủng hoảng kéo dài tại Xyri.

TTXVN/Tin tức

NATO bác khả năng can thiệp quân sự vào Xyri
NATO bác khả năng can thiệp quân sự vào Xyri

Phát biểu tại một cuộc họp báo trong khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO tại thành phố Chicago của Mỹ, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen bày tỏ quan ngại về tình hình bạo lực tại Xyri, nhưng khẳng định liên minh này "không có ý định" tiến hành hành động quân sự nhằm vào chính quyền Đamát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN