Ngày 14/5, Liên đoàn Arập (AL) thông báo hoãn cuộc họp giữa các nhóm đối lập tại Xyri, dự kiến diễn ra vào ngày 16/5 tới.
Trước đó, tại một cuộc họp đặc biệt cấp bộ trưởng hôm 26/4, AL đã quyết định mời các nhóm đối lập ở Xyri đến họp tại Cairô. Tuy nhiên, trong một tuyên bố ngày 14/5, AL cho biết cuộc họp đã bị hoãn theo đề nghị của Hội đồng Dân tộc Xyri (SNC) và Cơ quan Điều phối Quốc gia Xyri vì Thay đổi Dân chủ (SNCBDC). Tuyên bố nêu rõ AL sẽ tiếp tục phối hợp với các nhóm đối lập tại Xyri tạo môi trường thuận lợi cho cuộc họp nhằm thống nhất phe đối lập của nước này.
Bạo lực vẫn không ngừng diễn ra ở Xyri. Trong ảnh: Khói lửa bốc ngùn ngụt sau các vụ nổ xảy ra ngày 10/5 tại Đamát. Ảnh: AFP-TTXVN |
Cùng ngày, ông Ahmed Ramadan, thành viên ban điều hành SNC, tuyên bố SNC sẽ không tham gia các cuộc đàm phán tại Cairô vì AL không mời SNC với tư cách là một thể chế chính thức mà chỉ mời cá nhân chủ tịch SNC.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Liên hợp quốc đã triển khai 195 quan sát viên đến Xyri giám sát việc thực thi kế hoạch hòa bình do Đặc phái viên chung của LHQ và AL, ông Kofi Annan đưa ra, theo đó kêu gọi các bên ngừng bạo lực để mở đường cho một giải pháp chính trị chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 14 tháng nay.
Hồi đầu tháng Năm, Tổng thư ký AL Nabil al-Arabi đã bày tỏ kỳ vọng tình hình Xyri sẽ thay đổi sau khi các quan sát viên LHQ được triển khai đầy đủ tới Xyri, dự kiến tổng cộng 300 người. Tuy nhiên, sau đó ông thừa nhận rằng không thể đặt mọi hy vọng vào phái bộ này bởi nhiệm vụ chính của họ là giám sát thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải là giải quyết cuộc khủng hoảng.
Trong một diễn biến khác cùng ngày 14/5, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Mátxcơva sẽ tiếp tục hợp tác kỹ thuật-quân sự với Xyri và ngăn chặn mọi ý đồ can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này. Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nhấn mạnh: "Mọi hàng hóa được vận chuyển đến Xyri (từ Nga) được tiến hành trên cơ sở pháp lý. Chúng tôi không chuyển vũ khí tấn công tới đó, mà chỉ chuyển các vũ khí mang tính phòng thủ".
Theo ông Gatilov, Mátxcơva cho rằng việc bỏ mặc Chính phủ Xyri không được vũ trang trong khi phe đối lập được nhận vũ khí là điều sai trái. Ông cũng cảnh báo Nga sẽ phản đối bất kỳ nghị quyết nào của LHQ cho phép can thiệp quân sự vào Xyri. Ông Gatilov nhận định các cường quốc phương Tây đã tỏ ra kiềm chế hơn trong vấn đề Xyri, và cộng đồng quốc tế có xu hướng ủng hộ kế hoạch do Đặc phái viên Annan đề xuất. Mặc dù vậy, ông cho rằng cơ hội khởi động các cuộc đàm phán giữa chính quyền Xyri và phe đối lập là rất mong manh.
Cùng ngày, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cảnh báo về việc chính quyền Côxôvô tiếp xúc với phe đối lập Xyri và huấn luyện các tay súng nổi dậy chống chính quyền Đamát, cho rằng điều này hủy hoại sứ mệnh hòa bình của Đặc phái viên Annan và làm phức tạp thêm tình hình quốc tế. Trước đó, các nhà ngoại giao và truyền thông đưa tin ít nhất 3 nhân vật Xyri lưu vong đã đến Côxôvô và liên hệ với chính quyền vùng lãnh thổ này.
Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ về Côxôvô, ông Churkin cảnh báo việc "biến Côxôvô thành một trung tâm huấn luyện quốc tế cho các phần tử nổi dậy có thể trở thành một tác nhân gây bất ổn nghiêm trọng, ảnh hưởng vượt ra ngoài khu vực Bancăng". Ông kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) và LHQ, hai tổ chức hiện đang có các phái bộ gìn giữ hòa bình tại Côxôvô, hành động để ngăn chặn sự có mặt của các phần tử nổi dậy Xyri tại đây.
Côxôvô là tỉnh miền Nam của CH Xécbia và đã đơn phương tuyên bố độc lập năm 2008, với sự hậu thuẫn của Mỹ và một số nước EU. Trong khi đó, Nga ủng hộ lập trường của Xécbia khẳng định rằng Côxôvô vẫn là một tỉnh thuộc Xécbia.
TTXVN/Tin tức