Chính sách thuế của Mỹ: Giới doanh nghiệp quan ngại về lạm phát

Trong bối cảnh Mỹ ngày 2/4 vừa tuyên bố áp thuế đối ứng với nhiều đối tác kinh tế trên khắp thế giới, giới doanh nghiệp và chuyên gia ngay lập tức bày tỏ quan ngại về nguy cơ động thái này sẽ đẩy lạm phát toàn cầu tăng cao, đặc biệt là Mỹ.

Chú thích ảnh
Tàu hàng bốc dỡ hàng hóa tại cảng Baltimore, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tuyên bố trước khi mức thuế được công bố, Giám đốc chính sách của Phòng Thương mại Mỹ Neil Bradley nhận định mức tăng thuế sẽ làm tăng chi phí cho chính người tiêu dùng Mỹ và gây tổn hại đến nền kinh tế. Đồng tình với nhận định này, Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghệ Người tiêu dùng Mỹ Gary Shapiro cảnh báo các mức thuế toàn cầu thậm chí sẽ ảnh hưởng đến việc làm và có thể gây ra suy thoái cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia Mỹ Jay Timmons nhận định chi phí cao do mức thuế mới đe dọa đến đầu tư, việc làm, chuỗi cung ứng và cả khả năng cạnh tranh của Mỹ với các quốc gia khác với tư cách là siêu cường sản xuất hàng đầu. Doanh nghiệp trong các lĩnh vực thực phẩm, xây dựng cũng đều quan ngại về ảnh hưởng lâu dài do biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại của Mỹ.

Trong một phân tích gần đây, Phòng thí nghiệm Ngân sách của Đại học Yale ước tính rằng mức thuế nhập khẩu 20% trên diện rộng có thể khiến một hộ gia đình trung bình ở Mỹ mất ít nhất 3.400 USD - một mức cao đối với hầu hết người Mỹ. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã thông báo đối tác về việc tăng giá như các hãng bán lẻ Walmart, Best Buy, một nhà sản xuất phụ tùng thay thế Arrowhead Engineered Products. Một số công ty châu Âu chủ yếu phục vụ người tiêu dùng có thu nhập cao đã lên kế hoạch tăng giá trước cả khi mức thuế được công bố.

Cảnh báo về mức thuế cao nhất trong hơn 100 năm qua này, ông Olu Sonola, Giám đốc nghiên cứu Kinh tế Mỹ của Fitch khẳng định đây là một bước ngoặt, không chỉ đối với nền kinh tế Mỹ mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu. Ông nhận định nhiều quốc gia có khả năng sẽ rơi vào suy thoái và có thể thay đổi mọi triển vọng kinh tế được dự báo trước nếu mức thuế được duy trì thời gian dài.

Đánh giá về xu hướng của các doanh nghiệp trong tương lai, trong khi Nhà Trắng khẳng định thuế quan sẽ khuyến khích chuyển nhiều hoạt động sản xuất đến Mỹ hơn, các chuyên gia dự báo một số nhà nhập khẩu có thể chọn giảm lượng hàng hóa đến Mỹ để tránh thuế quan. Ngoài ra, theo nhiều giám đốc điều hành, rủi ro nghiêm trọng nhất là các doanh nghiệp sẽ cắt giảm chi tiêu do tình hình bất ổn. Ông Bill George, cựu CEO của Medtronic và là thành viên điều hành tại Trường Kinh doanh Harvard cảnh báo các doanh nghiệp sẽ “đóng chặt cửa”, không đầu tư, không thực hiện bất kỳ giao dịch nào, thậm chí chịu thiệt hại để dồn sức vượt qua các nguy cơ sắp tới, như suy thoái kinh tế.

Trước đó cùng ngày,  2/4, Tổng thống Trump đã công bố áp thuế cơ sở 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia khác, cộng thêm danh sách các mức thuế đối ứng khác nhau được áp dụng với tùy từng nước. Nhà Trắng cho biết thuế cơ sở có hiệu lực từ 0h01 ngày 5/4 theo giờ Mỹ (tức 11h01 cùng ngày ở Việt Nam), còn thuế đối ứng có hiệu lực từ 00h01 ngày 9/4 theo giờ Mỹ (11h01 cùng ngày theo giờ Việt Nam).

Đài Trang (TTXVN)
Chính sách thuế của Mỹ: Trung Quốc ra tuyên bố cứng rắn
Chính sách thuế của Mỹ: Trung Quốc ra tuyên bố cứng rắn

Sáng 3/4 theo giờ Việt Nam, đã có thêm nhiều đối tác thương mại của Mỹ từ khắp các châu lục lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc áp thuế đối ứng của Chính quyền Tổng thống Donald Trump. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN