Theo ý kiến của các chuyên gia tại JPMorrgan Asset Management và AllianzGI, cải cách doanh nghiệp mạnh mẽ ở Nhật Bản và Hàn Quốc đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài ưa thích cổ phiếu giá trị. Trong khi, quỹ quản lý đầu tư M&G cho biết các nhà đầu tư bị thu hút bởi mức định giá gần như thấp kỷ lục của chứng khoán Trung Quốc. Các kênh trú ẩn an toàn khác được ưu tiên lựa chọn tại châu Á là các nhà xuất khẩu và cổ phiếu định hướng trong nước của Ấn Độ.
Sau khi kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ dần suy yếu, các nhà quản lý đa tài sản quốc tế bắt đầu chuyển sang lựa chọn kỹ lưỡng hơn trong một môi trường hoàn toàn khác biệt.
Chính sách diều hâu của các ngân hàng trung ương trong khu vực châu Á, nhằm bảo vệ đồng nội tệ không bị mất giá trước đồng USD, đã làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu, một trong những loại tài sản trú ẩn an toàn truyền thống, đẩy sự chú ý tập trung vào lợi nhuận của cổ phiếu.
Chuyên gia Gary Tan, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Allspring Global Investments, cho biết: “Lãi suất cao hơn trong thời gian dài sẽ gây trở ngại cho dòng vốn chảy vào châu Á”. Ông cho rằng, trong môi trường hiện nay, cổ phiếu của các doanh nghiệp tập trung vào thị trường nội địa có thể là các tài sản an toàn, như cổ phiếu lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Ấn Độ hay cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng và tiện ích nội địa của Trung Quốc.
Khảo sát mới nhất của công cụ đo lường FedWatch cho thấy Fed nhiều khả năng sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách vào tháng 11, thay vì tháng Sáu như ước đoán mà các thị trường đã đưa ra trước đó, với số lần cắt giảm lãi suất ít hơn ba lần trong năm 2024.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, tính đến tháng Tư, các quỹ đầu tư nước ngoài đã bán hơn 7 tỷ USD cổ phiếu ở các nước châu Á mới nổi và đang trên đà chuẩn bị cho một đợt rút vốn đầu tiên sau sáu tháng.
Trên thị trường tiền tệ và trái phiếu khu vực, triển vọng thậm chí còn mờ nhạt hơn. Nếu Fed thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian dài hơn có nghĩa là trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, thay vì “đổ tiền” vào trái phiếu “quê nhà”.
Thước đo của Bloomberg về trái phiếu chính phủ tính bằng đồng nội tệ ở các nước mới nổi châu Á đã “bốc hơi” 1,7% tính theo đồng USD trong năm nay. Trong khi, chỉ số MSCI, điểm chuẩn vốn chủ sở hữu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không bao gồm Nhật Bản, đã tăng đúng bằng tỷ lệ này.
Tuy nhiên, M&G Investment Management cho rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hong Kong (Trung Quốc) đang có cơ hội "hồi sinh" khi lạm phát ở mức vừa phải và nỗ lực phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc cho phép các thị trường trở nên “miễn nhiễm” hơn trước các triển vọng chính sách của Fed. Các dấu hiệu về đà tăng trưởng kinh tế được cải thiện và thu nhập doanh nghiệp tốt hơn cũng đang thu hút dòng vốn nước ngoài chảy vào các thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Chuyên gia Gautam Samarth, nhà quản lý quỹ đa tài sản của M&G nhận định thị trường chứng khoán Trung Quốc được “săn đón” vì “định giá hấp dẫn” và xu hướng “đặc trưng” riêng.
Các chiến lược gia của ngân hàng HSBC viết trong một ghi chú rằng các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi toàn cầu đã chuyển sang trạng thái đánh giá trung lập thay vì đánh giá thấp đối với cổ phiếu Trung Quốc đại lục, trong khi mức độ rủi ro của các quỹ châu Á hiện vẫn được xác định ở mức cao nhất trong 7 tháng.
Mặc dù thị trường chứng khoán Nhật Bản được cho là sắp điều chỉnh kỹ thuật sau khi tăng liên tiếp trong nhiều tuần qua, nhưng chứng khoán Nhật Bản vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào sự phục hồi tăng trưởng kinh tế và nỗ lực thúc đẩy cải cách doanh nghiệp.
Chuyên gia George Efstathopoulos, nhà quản lý tiền tệ tại Fidelity International, cho biết: “Chứng khoán Nhật Bản sẽ được hưởng lợi, thông qua sự kết hợp giữa đồng yen yếu hơn và nhu cầu toàn cầu cải thiện, cũng như lợi ích của các ngân hàng Nhật Bản thông qua lãi suất trái phiếu chính phủ tăng”.