Đây là bản Chiến lược An ninh Quốc gia chính thức đầu tiên của Chính quyền Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris.
Thông báo của Nhà Trắng nêu rõ “Chiến lược An ninh Quốc gia”, mới được công bố theo yêu cầu của Quốc hội Mỹ, sẽ hoạch định cách thức Mỹ thúc đẩy các lợi ích cối lõi; theo đuổi một thế giới tự do, cởi mở, thịnh vượng và an toàn.
Chiến lược mới sẽ vận dụng tất cả các yếu tố sức mạnh quốc gia của Mỹ để vượt qua các đối thủ cạnh tranh chiến lược; giải quyết các thách thức chung; và định hình các quy tắc của lộ trình này. Chính quyền Tổng thống Biden nhấn mạnh Mỹ không tìm kiếm xung đột hoặc một cuộc chiến tranh lạnh mới, đồng thời muốn tránh tình huống mà trong đó cạnh tranh leo thang biến thế giới thành các khối.
Nhà Trắng cho hay chiến lược này khởi nguồn từ các lợi ích quốc gia của Mỹ: đó là bảo vệ an ninh của người dân Mỹ, mở rộng cơ hội kinh tế, hiện thực hóa và bảo vệ các giá trị dân chủ theo lối sống Mỹ. Chiến lược này gồm những nội dung chính sau:
- Đầu tư vào các nguồn và công cụ của sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Mỹ
- Xây dựng liên minh mạnh mẽ nhất có thể giữa các quốc gia để thúc đẩy tầm ảnh hưởng tập thể nhằm định hình môi trường chiến lược toàn cầu và giải quyết những thách thức chung.
- Hiện đại hóa và tăng cường quân đội để lực lượng này được trang bị cho một kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược.
- Mỹ sẽ cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc và kiềm chế Nga
- Để duy trì và tăng cường hợp tác quốc tế trong kỷ nguyên cạnh tranh, Mỹ sẽ theo đuổi cách tiếp cận song song (dual-track approach). Một mặt, Mỹ làm việc với mọi quốc gia, bao gồm cả các đối thủ cạnh tranh, sẵn sàng giải quyết một cách xây dựng các thách thức chung trong khuôn khổ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và hành động để củng cố các thể chế quốc tế. Mặt khác, Mỹ tăng cường hợp tác với các nền dân chủ trong liên minh, thiết lập một mạng lưới các mối quan hệ mạnh mẽ, kiên cường và hỗ trợ lẫn nhau.
- Các liên minh và đối tác của Mỹ trên khắp thế giới là tài sản chiến lược quan trọng nhất, mà Washington sẽ làm sâu sắc hơn và hiện đại hóa vì lợi ích an ninh quốc gia của mình.
- Với tư cách là một cường quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Mỹ có lợi ích sống còn trong việc hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở, kết nối vùng, thịnh vượng, an ninh và kiên cường.
- Tây bán cầu ảnh hưởng trực tiếp đến Mỹ hơn bất kỳ khu vực nào khác. Vì vậy, Mỹ sẽ tiếp tục khơi dậy và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đối tác đó, nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế, ổn định dân chủ và an ninh.
- Một khu vực Trung Đông gắn kết hơn trao quyền cho các đồng minh và đối tác của Mỹ sẽ thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng.
- Tại châu Phi, sự năng động, đổi mới và tăng trưởng nhân khẩu học giúp khu vực này đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp toàn cầu.