Tại buổi lễ, những người tham dự đã dành 1 phút mặc niệm các nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ Mỹ thả quả bom plutoni, mang tên “Fat Man” xuống thành phố cảng Nagasaki, cách đây 77 năm. Tính đến cuối năm 1945, khoảng 74.000 người được xác nhận là đã thiệt mạng trong vụ ném bom này. Nhiều người cũng đã bị bỏng và chịu các di chứng lâu dài liên quan đến phóng xạ sau vụ ném bom.
Trong Tuyên bố Hoà bình được đưa ra trong buổi lễ tưởng niệm tại Công viên Hoà bình của thành phố, Thị trưởng Nagasaki Tomihisa Taue đã kêu gọi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đưa ra cách thức cụ thể nhằm giải trừ hạt nhân tại hội nghị kiểm điểm lần thứ 10 Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) đang diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ). Ông cũng đề nghị Chính phủ Nhật Bản dẫn đầu các cuộc thảo luận về việc đạt được một khu vực không vũ khí hạt nhân ở Đông Bắc Á, cũng như ký kết và phê chuẩn hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của LHQ.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã bày tỏ sẵn sàng hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Ông nêu rõ: "Ngay cả trong tình hình an ninh nghiêm trọng, chúng ta vẫn phải giữ nguyên lịch sử không sử dụng vũ khí hạt nhân và tiếp tục để Nagasaki thành nơi xảy ra vụ ném bom nguyên tử cuối cùng". Thủ tướng Kishida khẳng định việc đảm bảo tính minh bạch, tiếp tục giảm trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến hạt nhân vẫn là những nhiệm vụ quan trọng.
Buổi lễ tưởng niệm năm nay tại Nagasaki có quy mô lớn hơn năm ngoái do các hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã được nới lỏng trên khắp Nhật Bản. Đại diện của 83 nước - con số cao nhất từ trước tới nay, đã tham dự buổi lễ.
Trong Công viên Hòa bình, những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử và thân nhân các nạn nhân đã cùng tập trung cầu nguyện. Thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, tổng số người còn sống 77 năm sau khi Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki là 118.935 người (vào tháng 3/2022), giảm 8.820 người so với một năm trước đó. Tuổi thọ trung bình của những người này là 84,53.