Chính quyền Mỹ sắp cấm phần mềm Kaspersky của Nga

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị thực hiện một bước đi chưa từng có. Đó là ban hành lệnh cấm các công ty và công dân Mỹ sử dụng phần mềm của Kaspersky Lab - một công ty an ninh mạng lớn của Nga.

Chú thích ảnh
Kaspersky Lab là một trong những công ty phần mềm diệt virus hàng đầu của Nga. Ảnh: Kasperskylab.com

Dẫn lời 5 quan chức Mỹ quen thuộc với vấn đề này, đài truyền hình CNN đưa tin động thái trên đang được hoàn thiện và có thể có hiệu lực ngay trong tháng này. Lệnh cấm mới sẽ dựa trên những quy định của Bộ Thương mại Mỹ mới được xây dựng gần đây.

Mặc dù trước đây các cơ quan chính phủ của Mỹ bị cấm sử dụng phần mềm của Kaspersky Lab, nhưng lệnh cấm áp dụng cả với các công ty tư nhân sẽ quyết định chưa từng có. Mặc dù các nguồn tin cho rằng vẫn chưa có gì chắc chắn cho đến khi quyết định được công bố chính thức, song Bộ Thương mại Mỹ cũng đã có những bước ban đầu, cấm một số giao dịch nhất định giữa Kaspersky Lab và các đối tác Mỹ.

Đây là nỗ lực mới nhất của chính phủ Mỹ nhằm sử dụng quyền lực pháp lý để ngăn chặn người Mỹ sử dụng công nghệ mà các quan chức đánh giá là gây rủi ro an ninh quốc gia. 

Các nguồn tin chỉ ra mục đích của lệnh cấm trên sẽ là giảm thiểu mọi rủi ro đối với cơ sở hạ tầng quan trọng Mỹ.

Hiện người phát ngôn của Kaspersky Lab chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin nói trên.

Trong nhiều năm qua, các quan chức Mỹ luôn cáo buộc chính phủ Nga có thể buộc Kaspersky Lab chuyển giao dữ liệu hoặc sử dụng phần mềm chống virus để tìm cách giám sát người Mỹ. Tuy nhiên, những cáo buộc này đã bị Kaspersky Lab kiên quyết phủ nhận.

Theo luật pháp của Mỹ, Kaspersky Lab có thể kháng cáo quyết định ban đầu về việc cấm sử dụng các sản phẩm của mình, hoặc đạt được thỏa thuận với chính phủ Mỹ nhằm giảm thiểu những lo ngại về an ninh trước khi Bộ Thương mại Mỹ đưa ra quyết định nào.

Được thành lập tại Moskva vào năm 1997, Kaspersky Lab đã phát triển thành một trong những công ty phần mềm diệt virus thành công nhất thế giới cùng với các đối thủ Mỹ như McAfee và Symantec. Các nhà nghiên cứu của Kaspersky Lab nổi tiếng với việc phân tích các hoạt động tấn công mạng của các chính phủ, cũng như các mối đe dọa tội phạm mạng ảnh hưởng đến người dùng hàng ngày.

Theo Kaspersky, hơn 400 triệu người và 240.000 công ty trên toàn thế giới sử dụng các sản phẩm phần mềm của họ. Hiện chưa rõ trong đó có bao nhiêu người và công ty ở Mỹ sử dụng phầm mềm này. Nhưng các quan chức Mỹ tin rằng rủi ro do phần mềm này gây ra đối với cơ sở hạ tầng của Mỹ là đủ lớn để đưa ra một biện pháp xử lý.

Sự nghi ngờ của các quan chức Mỹ đối với công ty phần mềm Nga xuất phát từ thân thế của Eugene Kaspersky, một chuyên gia máy tính kì cựu kiêm người đồng sáng lập Kaspersky Lab.

Eugene Kaspersky học mật mã tại một trường đại học do cơ quan tình báo Nga KGB tài trợ. Kaspersky từng là kỹ sư phần mềm tại một viện thuộc Bộ Quốc phòng Nga sau khi tốt nghiệp và ông khẳng định đó là kinh nghiệm quân sự duy nhất của ông trong quá trình làm việc.

Kaspersky đã nhiều lần lên tiếng, cho rằng công ty của mình là nạn nhân trong căng thẳng địa chính trị giữa phương Tây và Nga, đặc biệt những căng thẳng này ngày càng trở nên gay gắt hơn kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022. Kaspersky Lab khẳng định không có bất kỳ mối quan hệ hoặc liên kết không phù hợp với bất kỳ chính phủ nào, kể cả Nga.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo CNN)
Cựu đại sứ Mỹ bất ngờ thừa nhận làm gián điệp cho Cuba trong hàng thập kỷ
Cựu đại sứ Mỹ bất ngờ thừa nhận làm gián điệp cho Cuba trong hàng thập kỷ

Cựu đại sứ Manuel Rocha cho biết ông sẽ nhận tội làm điệp viên bí mật cho Cuba trong hàng chục năm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN