Chính phủ Côlômbia và du kích FARC thỏa thuận đàm phán

Cuộc xung đột vũ trang kéo dài gần nửa thế kỷ qua tại Côlômbia đang đứng trước cơ hội được giải quyết dứt điểm sau khi chính phủ nước này và nhóm du kích Lực lượng Vũ trang Cách mạng Côlômbia (FARC) ký kết thỏa thuận về việc khởi động vòng đàm phán hòa bình vào ngày 5/10 tới tại Ôxlô (Na Uy).


Mặc dù chặng đường dài phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhân dân Côlômbia nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung đều hy vọng rằng cuộc đối thoại lần này sẽ là điểm khởi đầu cho một nền hòa bình đích thực tại quốc gia Nam Mỹ này.


“Đèn xanh” từ hai phía


Trong lịch sử đối đầu giữa chính phủ Côlômbia và FARC, cho dù đã có những thời điểm tưởng chừng như hai bên tìm được tiếng nói chung, đặc biệt là trong thời gian Tổng thống Andres Pastrana nắm quyền từ năm 1998 đến 2002, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà mọi ý định tìm kiếm hòa bình đều đổ vỡ.


Tuy nhiên, lần này cơ hội đối thoại đang đi theo một ngã rẽ mới khi chính phủ Côlômbia và đặc biệt là FARC đã có những động thái nhượng bộ cụ thể, tỏ rõ thiện chí mong muốn đem lại hòa bình cho đất nước.


Tổng thống Côlômbia Juan Manuel Santos. Ảnh: Internet

Thủ lĩnh FARC Rodrigo Londoño Echeverri.
Ảnh: Internet


Kể từ khi lên nắm quyền năm 2010, Tổng thống Juan Manuel Santos đã nhiều lần tuyên bố sẽ làm tất cả để chấm dứt cuộc xung đột từng gây quá nhiều đau thương cho đất nước Côlômbia. Mặc dù vẫn thường xuyên tăng cường sức mạnh quân sự với sự hỗ trợ của Mỹ và tích cực triển khai các chiến dịch truy quét nhưng rõ ràng Tổng thống Santos có một cách hành xử mềm mỏng và tinh tế hơn trong cuộc đối đầu với FARC.


Chính Tổng thống Santos là người đã thúc đẩy việc soạn thảo Khung pháp lý vì hòa bình, một văn kiện chứa đựng những điều khoản về việc cải cách hiến pháp, cho phép chính phủ có được công cụ pháp lý trong đàm phán với các nhóm vũ trang. Ngay sau đó văn kiện này đã được trình lên để Quốc hội thảo luận và thông qua. Động thái này được đại bộ phận công chúng Côlômbia và ngay cả FARC thừa nhận là có thể mở ra con đường hòa hợp dân tộc.


Năm điểm mấu chốt sẽ được chính phủ Côlômbia và FARC thảo luận

1. Thúc đẩy phát triển nông thôn.

2. Bảo đảm quyền được tham gia các hoạt động chính trị đối lập.

3. Chấm dứt xung đột vũ trang. Giao nộp vũ khí và giúp đỡ các thành viên của FARC tái hội nhập vào đời sống xã hội dân sự.

4.Giải quyết vấn đề buôn lậu ma túy một cách hiệu quả hơn.

5.Tôn trọng quyền lợi và tìm kiếm các giải pháp trong vấn đề bồi thường cho các nạn nhân của cuộc xung đột vũ trang.

Từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền của Tổng thống Alvaro Uribe, thời kỳ mà chính phủ Côlômbia có thái độ cứng rắn nhất trong cuộc đối đầu với FARC, ông Santos hiểu rõ hơn ai hết khả năng kháng cự của FARC, cũng như những mất mát mà nhân dân Côlômbia phải gánh chịu nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài.


Chấm dứt được cuộc đối đầu với các nhóm du kích vũ trang đồng nghĩa với việc chính phủ Côlômbia tiết kiệm được một khoản chi ngân sách lớn trong lĩnh vực quân sự để đầu tư vào các lĩnh vực khác phục vụ phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để Tổng thống Santos tiếp tục nâng cao uy tín trong nhân dân khi mà nhiệm kỳ đã đi được nửa chặng đường và ông đang có ý định tiếp tục tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa vào năm 2014.


Trong khi đó, FARC cũng nhận thấy rằng trong bối cảnh hiện nay đấu tranh vũ trang không còn là lựa chọn duy nhất để đi đến thành công trên con đường theo đuổi lý tưởng của mình. Trong những năm gần đây, FARC đã liên tục có các động thái nhượng bộ thông qua việc từng bước trả tự do cho các con tin mà họ bắt giữ từ hàng chục năm nay và đến tháng 4/2012, nhóm con tin cuối cùng gồm 10 quân nhân và cảnh sát đã được FARC trả tự do.


Ngay sau khi lên nắm quyền lãnh đạo FARC năm 2011, Tư lệnh Rodrigo Londoño Echeverri, biệt hiệu “Timochenko”, đã bày tỏ ý định tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột thông qua đối thoại với chính phủ. Cách đây ít lâu, FARC cũng đã từng phát đi một thông cáo, trong đó lần đầu tiên đề cập tới khả năng hạ vũ khí và giải giáp để mở đường cho tiến trình hòa bình tại Côlômbia. Theo thỏa thuận về việc khởi động đàm phán hòa bình, FARC cũng đã chấp nhận đặt lên bàn đàm phán vấn đề hạ vũ khí và đây được đánh giá là điểm khác biệt lớn nhất so với các cuộc đối thoại trước đây khi mà họ luôn giữ quan điểm cứng rắn để bảo vệ quyền được sử dụng vũ khí.


Mọi bất đồng đều có thể giải quyết


Vấn đề mà dư luận lo ngại nhất có thể dẫn tới sự đổ vỡ của cuộc đàm phán lần này là việc ngừng bắn. Trong khi FARC kêu gọi chính phủ thông qua lệnh ngừng bắn hoàn toàn ngay khi hai bên ngồi vào bàn đối thoại chính thức thì Tổng thống Santos lại tuyên bố các chiến dịch quân sự vẫn tiếp tục với cường độ như hiện nay hoặc hơn thế. Rõ ràng không hẳn tất cả mọi vấn đề đều được hai bên đồng thuận và đó cũng là lẽ thường tình trong bối cảnh cuộc đàm phàn chính thức vẫn chưa diễn ra.


Điều quan trọng là chính phủ Côlômbia và FARC phải thể hiện được quyết tâm mong muốn hòa bình thực sự. Theo nhận định của nhà phân tích chính trị Francisco Gutierrez, trong quá trình đàm phán nếu mọi chuyện đi theo hướng tích cực thì chắc chắn hai bên cũng sẽ giảm dần các cuộc đối đầu quân sự.


Hình ảnh những con tin cuối cùng được FARC trả tự do hồi tháng 4/2012. Ảnh: Internet


Được thành lập từ năm 1964, FARC hiện là tổ chức du kích lâu đời nhất tại Mỹ Latinh với quân số vào thời điểm thịnh vượng nhất lên tới 16.000 binh sỹ và đến nay còn khoảng 9.000 người. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, FARC đã từng ba lần tiến hành đàm phán nhằm tìm kiếm hòa bình với các chính phủ Côlômbia tuy nhiên tất cả đều thất bại, trong đó lần gần đây nhất là dưới thời Tổng thống Andres Pastrana (1998-2002).

Mặt khác, thỏa thuận khởi động vòng đàm phán hòa bình chính thức là kết quả của một loạt các cuộc tiếp xúc thăm dò được đánh giá là “nghiêm túc, thực tế và hiệu quả” giữa chính phủ Côlômbia và FARC trong suốt hơn một năm qua.


Chính vì vậy, chắc chắn không bên nào muốn phá hỏng một “công trình” mà tất cả đều nỗ lực vun đắp. Tổng thống Santos khẳng định Côlômbia đang đứng trước cơ hội không thể tốt hơn để chấm dứt vĩnh viễn cuộc xung đột vũ trang, đồng thời nhấn mạnh đất nước đã thay đổi nhiều trong những năm gần đây và đó là một lý do nữa để lạc quan khi đối mặt với những thách thức.


Tiến trình đàm phán hòa bình ở Côlômbia lần này không chỉ nhận được sự hậu thuẫn của dư luận trong nước, kể cả các nhóm chính trị đối lập, mà còn được cộng đồng quốc tế lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ, từ Liên hợp quốc, Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), Liên minh châu Âu (EU), Giáo hội Thiên chúa giáo, cho tới đại đa số các nước trong khu vực và trên thế giới. Với ý chí quyết tâm của các bên, tất cả đều mong rằng một nền hòa bình đích thực, dài lâu và ổn định sẽ đến với đất nước và nhân dân Côlômbia trong một tương lai không xa.



Hoài Nam(P/v TTXVN tại Cuba)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN