Chìa khóa của chiến lược an ninh lương thực

Tuần báo "Embassy" (Canađa) số ra mới đây dẫn lời Bộ trưởng phụ trách Cơ quan Phát triển Quốc tế Canađa (CIDA) Bev Oda nhấn mạnh rằng, dinh dưỡng là chìa khóa của chiến lược an ninh lương thực.

Theo ông Oda, an ninh lương thực là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải có những giải pháp đa dạng. Người ta không thể trồng cây lương thực nếu không có đất, hạt giống, phân bón và nước tưới. Người ta cũng không thể tăng sản lượng lương thực nếu không biết những kiến thức về thâm canh và không thể cải thiện được sức khỏe của người dân nếu không tăng tối đa giá trị dinh dưỡng của các sản phẩm được làm ra. Và cũng không thể đưa được lương thực tới người tiêu dùng nếu không có một hệ thống nối người nông dân với các thị trường. Lương thực là một nhu cầu cơ bản của con người và sự liên kết giữa an ninh lương thực, nông nghiệp và phát triển kinh tế bền vững là điều không thể tranh cãi.


Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007-2008, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và vấn đề biến đổi khí hậu đang làm nhiều người trên thế giới lâm vào cảnh đói ăn hơn, CIDA cho rằng cách tiếp cận toàn diện và hợp nhất đối với vấn đề nước và dinh dưỡng là cách duy nhất để đạt được tiến bộ thực sự trong lĩnh vực an ninh lương thực và cải thiện sức khỏe con người. Việc liên kết y tế, nông nghiệp, phát triển nông thôn, môi trường, phát triển kinh tế bền vững và giáo dục đang đem lại những kết quả phát triển ý nghĩa nhất. Đó chính là lý do Canađa đã thành lập Quỹ nghiên cứu phát triển an ninh lương thực quốc tế nhằm hỗ trợ việc ứng dụng thực tế các nghiên cứu về an ninh lương thực, hợp tác với các nhà nghiên cứu tại các nước đang phát triển, như một phần của chiến lược an ninh lương thực mới. Quỹ này được xây dựng dựa trên sự đóng góp lâu dài của Canađa, với tư cách là thành viên sáng lập của Nhóm tư vấn về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR).

Một trong những thách thức lớn nhất đối với an ninh lương thực tại các nước đang phát triển là được tiếp cận các loại lương thực giàu dinh dưỡng và có chất lượng cao. Điều đáng buồn là hàng triệu người nghèo nhất thế giới không được cung cấp đủ các nguyên tố vi lượng như sắt, iốt, vitamin A, axít folic và kẽm trong các bữa ăn hàng ngày, dẫn tới bệnh tật, mù lòa, thiểu năng trí tuệ và tử vong. Một trong những thông điệp chủ yếu của CIDA trong chiến lược an ninh lương thực là phụ nữ chính là chìa khóa của an ninh lương thực bởi họ là xương sống của nền nông nghiệp tại các nước đang phát triển, đồng thời là người bảo đảm dinh dưỡng cho gia đình. Cần nhớ rằng 500 triệu nông dân đang nuôi sống hơn 2 tỷ người, bằng khoảng 1/3 nhân loại. Tại nhiều nước đang phát triển, nhất là tại châu Phi và châu Á, đa số nông dân là phụ nữ. Do vậy CIDA cho rằng tại các nước đang phát triển, phụ nữ chính là trung tâm của bất kỳ chiến lược an ninh lương thực nào.

Mục tiêu của CIDA là cùng nỗ lực để xóa đói giảm nghèo và cải thiện cuộc sống cho những người dễ bị tổn thương nhất thế giới, tăng cường ảnh hưởng của các hoạt động trợ giúp thông qua các cách tiếp cận toàn diện và hiệu quả của tất cả các bên tham gia, nhất là ở cấp quốc gia. Điều đó có nghĩa là hỗ trợ các chiến lược và kế hoạch, nhất là đối với những nước đã công nhận tầm quan trọng không chỉ của một chiến lược an ninh lương thực, mà cả tầm quan trọng của một kế hoạch dinh dưỡng.

Ông Oda kết luận rằng phát triển là một công việc rất phức tạp. An ninh lương thực cho toàn nhân loại còn là vấn đề phức tạp hơn. Bất chấp những khó khăn, thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, ông Oda tin tưởng những nỗ lực tập thể sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN