Trong khi đó, chỉ huy lực lượng an ninh và quân đội Iraq dự đoán quân chính phủ, với sự hỗ trợ của không quân Mỹ, có thể giành chiến thắng cuối cùng tại Mosul trong tuần này, sau khi chiến dịch quân sự mô lớn kéo dài 8 tháng qua đã dồn các chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vào một khu vực rộng chưa đầy 0,5 km2 bên bờ sông Tigris.
Cảnh đổ nát sau các cuộc giao tranh tại Thành cổ Mosul ngày 5/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngoài việc bị IS tàn phá, ít nhất 6 trong tổng số 44 khu vực ở Tây Mosul cũng chịu tổn hại do ảnh hưởng của các cuộc giao tranh. Khoảng 50% trong tổng số 2 triệu dân Mosul trước chiến tranh đã phải đi sơ tán.
Bà Grande căn cứ báo cáo đánh giá sơ bộ cho rằng công tác ổn định Mosul, bao gồm sửa chữa hạ tầng điện, nước, nước thải cũng như việc mở lại các trường học, bệnh viện, có thể phải chi phí cao gấp đôi ước tính ban đầu.
Theo bà Grande, mức độ thiệt hại ở Mosul lớn hơn so với dự tính, với hệ thống hạ tầng ở Tây Mosul còn tồi tệ hơn nhiều so với Đông Mosul, khu vực được giải phóng khỏi IS sáu tháng trước.
Ngoài ra, công tác ổn định ở Đông Mosul có thể hoàn thành trong hai tháng, nhưng ở Tây Mosul có thể phải mất hơn một năm và công cuộc tái thiết dài hạn ở thành phố này sẽ tốn hàng tỷ USD.
IS đã chiếm giữ nhiều khu vực rộng lớn ở Iraq và Syria từ năm 2014, đồng thời tuyên bố thành lập cái gọi là "Vương quốc Hồi giáo" trên các vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, tới nay các phiến quân IS đã mất hầu hết vùng lãnh thổ chúng từng kiểm soát. Mosul là thành phố lớn nhất bị IS chiếm giữ.
Báo cáo của LHQ cũng cho biết chiến tranh và xung đột đã khiến khoảng 900.000 người dân Mosul rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong đó hơn 1/3 sống tại các trại di dân ở bên ngoài thành phố.