CHDC Congo phát động chiến dịch tiêm chủng phòng đậu mùa khỉ

Ngày 5/10, CHDC Congo, tâm điểm của dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) ở châu Phi - đã phát động chiến dịch tiêm chủng tại thành phố Goma ở phía Đông.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ tại bệnh viện ở tỉnh Bắc Kivu, CHDC Congo ngày 19/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Chiến dịch bị chậm 3 ngày so với kế hoạch ban đầu do khó khăn trong việc vận chuyển vaccine. Hiện những mũi vaccine đầu tiên đã được tiêm cho nhân viên các bệnh viện và dự kiến chương trình sẽ được mở rộng tới người dân ở miền Đông từ ngày 7/10. 

Theo Chánh văn phòng Bộ Y tế CHDC Congo, Romain Muboyayi, nước này sẽ tiến hành "chiến dịch toàn diện" chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Cho đến nay, Congo đã nhận được 265.000 liều vaccine, bao gồm cả vaccine do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tài trợ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng triệu liều vaccine nữa sẽ được Pháp, Nhật Bản và Mỹ cung cấp theo các cam kết trước đó.

Bộ trưởng Y tế CHDC Congo, Samuel-Roger Kamba, cho biết từ đầu năm đến nay tại nước này đã có hơn 30.000 ca mắc đậu mùa khỉ, trong đó có 988 ca tử vong, phần lớn là trẻ em dưới 5 tuổi. Ông Kamba nói rõ hiện Congo chưa thể tiến hành tiêm chủng đại trà mà sẽ chỉ hướng tới những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.                                      

Các vaccine phòng đậu mùa khỉ hiện có tại Congo là sản phẩm của hãng dược Bavarian Nordic (Đan Mạch), chỉ dành cho người lớn. Congo đang phải đàm phán để có thêm nguồn cung cấp từ Nhật Bản, nơi đã bào chế thành công vaccine sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em. Trước đó, Nhật Bản đã cam kết cung cấp 3 triệu liều vaccine cho Congo. 

Trong khi đó, trong tuyên bố đưa ra hồi tháng trước tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Tổng thống Joe Biden cho biết Washington dự định tài trợ 1 triệu liều vaccine phòng đậu mùa khỉ cho khu vực châu Phi, trong đó có Congo. Ông Biden nói: "Chúng tôi sẵn sàng cam kết hỗ trợ 500 triệu USD để giúp các quốc gia châu Phi ngăn chặn và ứng phó với dịch bệnh, cũng như tài trợ 1 triệu liều vaccine phòng bệnh ngay từ bây giờ".

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 tại Đan Mạch trong quá trình nghiên cứu về loài khỉ. Căn bệnh này sau đó được phát hiện ở người vào năm 1970 tại khu vực mà ngày nay là CHDC Congo. Đến tháng 5/2022, virus gây bệnh đã thu hút sự chú ý của quốc tế khi chủng clade 2b lan rộng ra nhiều nước, chủ yếu ảnh hưởng đến cộng đồng đồng tính nam và người song tính.

Tháng 7 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng toàn cầu, mức độ cảnh báo cao nhất của tổ chức này. Theo WHO, tiêm phòng vaccine là biện pháp quan trọng bổ sung cho các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

Văn Khoa (TTXVN)
WHO cấp phép xét nghiệm chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp
WHO cấp phép xét nghiệm chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp

Ngày 3/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lần đầu tiên đưa xét nghiệm chẩn đoán ngoại vi (IVD) bệnh đậu mùa khỉ vào quy trình Danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL). Đây được coi là bước đi quan trọng nhằm cải thiện khả năng tiếp cận xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN