Trong ngày 12/7, các đám cháy rừng đã bao trùm trên hơn 404.600 ha đất ở miền Tây nước Mỹ và Canada. Theo các quan chức kiểm lâm, khoảng hơn 343.000 ha đất đang bị "giặc lửa" tàn phá tại Mỹ, chủ yếu các bang ở miền Tây như Oregon, California và Arizona. Trong khi đó, chỉ tính riêng tỉnh bang British Columbia của Canada cũng đã ghi nhận hơn 120.000 ha rừng đang cháy âm ỉ.
Tại bang California, nền nhiệt tăng kết hợp với gió mạnh, độ ẩm thấp và thảm thực vật khô đã làm bùng phát một đám cháy ở gần Hồ Tahoe vào ngày 12/7. Nhiều khu rừng đã bị thiêu rụi cùng hàng loạt ngôi nhà ở nhiều thị trấn. Ở bang lân cận Oregon, đám cháy Bootleg cũng đã thiêu rụi hơn 60.700 ha đất và đe dọa hệ thống cung cấp điện cho California.
Nắng nóng đã có dấu hiệu giảm bớt sau đợt sóng nhiệt dữ dội vào cuối tháng 6, nhưng trong những ngày gần đây, thời tiết khắc nghiệt lại quay trở lại Bắc Mỹ khi nắng nóng tiến sâu vào đất liền đến tận rìa của dãy núi Rocky. Cơ quan Dự báo thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cảnh báo nhiệt độ nguy hiểm sẽ tiếp tục bao trùm khu vực vào đầu tuần này, với mức nhiệt lên tới 47 độ C được ghi nhận ở miền Nam California trong ngày 12/7. Dù nền nhiệt chung đang bắt đầu giảm, với sự xuất hiện của những cơn gió thổi đến phía Bắc California và các cơn bão ở Arizona và New Mexico, song NWS cảnh báo thời tiết nắng nóng vẫn tiếp tục duy trì tại hầu hết các khu vực đến tối 13/7.
Các nhà khoa học cho rằng những đợt nắng nóng cực đoan xảy ra tại khu vực Bắc Mỹ là hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Tuần trước, Liên minh Thời tiết thế giới (WWA) đã công bố nghiên cứu cho thấy đợt nắng nóng kỷ lục hoành hành ở miền Tây nước Mỹ và Canada cuối tháng trước lẽ ra "gần như không thể" xảy ra nếu không có những tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Theo WWA, hiện tượng nóng lên toàn cầu do khí thải nhà kính sinh ra trong các hoạt động của con người đã làm tăng ít nhất 150 lần nguy cơ xảy ra nắng nóng ở Mỹ và Canada. Các nhà khoa học cảnh báo nếu lượng khí phát thải trong bầu khí quyển vẫn tiếp tục gia tăng, đến năm 2040, cứ mỗi 5-10 năm lại có nguy cơ xảy ra một đợt nắng nóng kinh hoàng.
Trước đó, theo nghiên cứu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố tháng 5 vừa qua, có 40% khả năng nhiệt độ Trái Đất tạm thời tăng ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong vòng 5 năm tới và tỷ lệ này có nguy cơ tăng hơn nữa. WMO nhấn mạnh kết quả này không có nghĩa mức tăng nhiệt độ Trái Đất sẽ vượt ngưỡng 1,5 độ C mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã đề ra.
Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas, nghiên cứu cho thấy nhiệt độ Trái Đất đang “tiến gần và có thể không tránh khỏi ngưỡng tăng này”. Ông cho rằng kết quả nghiên cứu là một lời cảnh tỉnh nữa để kêu gọi các nước quyết tâm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hơn nữa.