Châu Phi và lối thoát hẹp khỏi 'lưỡi hái'’ COVID-19

Hôm đó, khoảng 1 giờ trưa 28/1, chuông điện thoại đổ liên hồi trong phòng làm việc của Tiến sỹ John Nkengasong - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Afica CDC), một cơ quan thuộc Liên minh châu Phi (AU) có trụ sở tại thủ đô Addis Ababa, Ethiopia.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Maiduguri, Nigeria. Ảnh: AFP/TTXVN

Bên kia đầu dây là giọng nói đầy gấp gáp của một quan chức y tế Nigeria, báo cáo với ông Nkengasong về trường hợp một công dân Italy đã dương tính với virus SARS-CoV-2 ngay sau khi nhập cảnh vào quốc gia châu Phi. Cuộc điện đàm kết thúc, vị tiến sỹ y khoa gốc Cameroon chột dạ khi ông hiểu rằng chủng virus hoàn toàn mới này đã chính thức đến "Lục địa Đen", dù trước đó ông biết rằng sớm hay muộn chuyện đó cũng sẽ xảy ra.

Mặc dù trường hợp mắc COVID-19 được xem là đầu tiên của châu Phi này ngay sau đó đã hồi phục tích cực, song trong báo cáo tại nhiều cuộc họp khẩn được tổ chức sau đó, các quan chức y tế châu Phi đều nhận định rằng đây mới là ca đầu tiên bị phát hiện, có lẽ còn rất nhiều trường hợp khác đã mang theo chủng virus quái ác từ châu Âu vượt Địa Trung Hải đến châu Phi từ trước đó.

Và đúng như nhận định trên, nhiều nước châu Phi chỉ vài ngày sau đã thông báo những ca đầu tiên nhiễm loại virus mà thời điểm đó còn chưa được định danh chính thức, lây lan nhanh chóng không chỉ từ những trường hợp nhập cảnh mà còn bắt đầu trong cộng đồng, đặc biệt tại các quốc gia có đông lưu lượng khách nhập cảnh và trung chuyển qua đường hàng không như Nam Phi, Ai Cập, Nigeria, Maroc.

Trước tình trạng này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hồi đầu tháng 2 đã đưa ra cảnh báo đầu tiên về dịch COVID-19 tại châu Phi, trong đó nhấn mạnh rằng nếu không có những biện pháp ứng phó khẩn cấp, hệ thống y tế lạc hậu của châu lục sẽ quá tải trong 3-4 tháng. Thậm chí, trong một cuộc phỏng vấn với báo giới tại thời điểm đó, bà Melinda Gates, vợ tỷ phú Bill Gates và đồng thời là người đồng sáng lập của Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation, đã chua chát nói rằng: "nếu không hành động ngay, có thể một ngày chúng ta sẽ phải chứng kiến những thi thể chết do COVID-19 trên những nẻo đường châu Phi’’.

Tuy nhiên, ngót nửa năm đã trôi qua kể từ ngày ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, kịch bản xấu nhất của dịch COVID-19 tại châu Phi dường như vẫn chưa đến, hay như nhận định mới đây của Tiến sỹ Humphrey Karamagi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dữ liệu của WHO tại khu vực, rằng mọi dự đoán về diễn biến của đại dịch tại châu Phi đều đã không chính xác, khi phần lớn đưa ra dự đoán đến thời điểm hiện tại, châu lục này sẽ bị virus SARS-CoV-2 làm cho tan tác như đã từng hoành hành tại nhiều nơi khác trên thế giới.

Vậy đâu là nguyên nhân? Không lẽ kịch bản xấu nhất vẫn chưa mở màn và đỉnh dịch vẫn còn ở phía trước... câu hỏi này hiện vẫn đang để ngỏ đối với những người đứng đầu lĩnh vực y tế tại lục địa 1,3 tỷ dân.

Chủ động phòng thủ và những lợi thế bản địa

Chú thích ảnh
Một địa điểm xét nghiệm COVID-19 tại Pretoria, Nam Phi, ngày 11/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Một thực tế có thể thấy rõ rằng đa số lãnh đạo các quốc gia châu Phi đã đưa ra những biện pháp ứng phó kịp thời ngay từ khi dịch bắt đầu manh nha xâm nhập vào lãnh thổ các nước. Có thể đâu đó còn tồn tại các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ hay sắc tộc diễn ra dai dẳng trong nhiều thập niên qua, nhưng châu Phi chưa bao giờ đoàn kết đến vậy trước mối hiểm họa mà có thể sẽ nhấn khu vực này chìm sâu hơn nữa vào vòng xoáy khủng hoảng và đói nghèo.

Theo Giám đốc Afica CDC John Nkengasong, sau khi ghi nhận những ca mắc đầu tiên, phần lớn lãnh đạo các quốc gia trong châu lục đã ngay lập tức tiến hành phong tỏa đất nước ở nhiều cấp độ khác nhau, chấp nhận đóng cửa nền kinh tế. Đây được đánh giá là những quyết sách đã giúp giảm đà lây lan của virus một cách hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu.

Đơn cử như Nam Phi, quốc gia được đánh giá là đầu tàu trong việc triển khai những biện pháp chống dịch quyết liệt, đã ngay lập tức ban hành tình trạng khẩn cấp và sau đó là áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc từ tháng 3, khi số ca nhiễm tại đây mới chỉ khoảng 100 người. Đến thời điểm hiện tại, quốc gia phát triển nhất châu lục này vẫn duy trì lệnh phong tỏa mặc dù đã nới lỏng cho một số hoạt động kinh tế.

Theo số liệu mới nhất của Afica CDC, ngoài Nam Phi, hiện 43 nước ở "Lục địa Đen" vẫn đang đóng cửa biên giới hoàn toàn, bất chấp những ảnh hưởng trầm trọng mà tình trạng này gây ra với nhiều nền kinh tế hiện vẫn đang nằm trong danh sách những nước nghèo nhất thế giới.

Ngoài việc áp dụng những chính sách nghiêm ngặt, kinh nghiệm lâu năm trong việc ứng phó với nhiều đại dịch nghiêm trọng như Ebola hay sốt vàng da cũng đã giúp các nước châu Phi chủ động hơn trong công tác tổ chức phòng chống trước sự lây lan của virus.

Bên cạnh đó, Tiến sỹ Humphrey Karamagi và một số nhà khoa học hàng đầu tại châu lục tin rằng các yếu tố đặc thù liên quan đến hình thái xã hội cũng như hệ sinh thái có thể đang giúp châu Phi thoát khỏi "lưỡi hái tử thần’" của COVID-19. 

Giả thuyết này của Tiến sỹ Humphrey Karamagi đã được mô hình hóa trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí y khoa BMJ Global Health, trong đó đưa ra các yếu tố làm ảnh hưởng đến tốc độ lây lan của virus viêm đường hô hấp cấp cũng như những nhận định về các tập tính cá biệt của virus SARS-CoV-2.

Theo nghiên cứu này, một trong những yếu tố quan trọng nhất liên quan đến tập quán sinh sống và di chuyển của các nhóm dân cư. Theo đó, đa số dân cư châu Phi sống tập trung tại những khu vực nông thôn cách biệt, nơi hệ thống giao thông đường bộ còn tồi tàn và đây chính là lý do giúp giảm thiểu sự di chuyển con người cũng như virus. 

Ngoài ra, mặc dù chưa có những minh chứng rõ ràng về khoa học, đặc điểm về thời tiết như nhiệt độ cao và lượng mưa nhiều cũng được các nhà nghiên cứu đánh giá rằng đã ít nhiều góp phần vào việc hạn chế sự lây lan của chủng virus vốn hoành hành dữ dội tại những quốc gia ôn đới, nơi có khí hậu mát mẻ và khô ráo.

Yếu tố được xem là trực quan nhất là cơ cấu dân số. Trong khi trên thế giới nhóm người cao tuổi chiếm đa số trong các ca tử vong do nhiễm virus SARS -CoV-2, thì tới 70% dân số sống tại khu vực phía Nam sa mạc Sahara, nơi có 46/54 quốc gia châu Phi, có độ tuổi dưới 30 - nhóm đối tượng có tỷ lệ tử vong thấp.

Bên cạnh đó, một yếu tố không thể không nhắc tới đó là lối sống khác biệt của cư dân châu Phi. Trong sinh hoạt thường ngày, người dân nơi đây được xem là có nhiều hoạt động liên quan đến thể lực như đi bộ và làm nông, sử dụng thức ăn đơn giản gần gũi thiên nhiên, qua đó giúp họ ít bị mắc chứng bệnh như tiểu đường, cao huyết áp hay béo phì - những bệnh nền nguy hiểm nhất liên quan đến tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19.

Khó khăn còn ở phía trước

Chú thích ảnh
Thi thể một bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Cape Town, Nam Phi, ngày 9/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính đến hết ngày 16/6, châu Phi đã ghi nhận 255.544 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 6.779 ca tử vong và 114.897 người khỏi bệnh. Sau hơn 5 tháng kể từ khi ghi nhận những ca đầu tiên, châu lục 1,3 tỷ dân này hiện đang chiếm khoảng 3% số ca mắc COVID-19 trên thế giới, với tỷ lệ tử vong thấp so với mức trung bình trong khi tỷ lệ người khỏi bệnh ở mức khá cao.

Africa CDC cho biết số liệu trên có thể không phản ảnh đầy đủ bức tranh COVID-19 của châu Phi do nhiều nước không có điều kiện thực hiện xét nghiệm trên diện rộng, song WHO tin tưởng rằng mặc dù số ca nhiễm mới có thể tiếp tục tăng, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, châu Phi được đánh giá là đã không để lọt ổ dịch lớn nào.

Thậm chí, một số chuyên gia WHO còn lạc quan cho rằng nhiều quốc gia tại đây sẽ không phải chứng kiến đỉnh dịch, hoặc có thì sẽ thấp hơn so với mức trung bình của thế giới.

Phát biểu tại một cuộc họp báo mới đây tại thủ đô Brazzaville, Cộng hòa Congo, Giám đốc khu vực châu Phi của WHO Matshidiso Moet (Mát-si-đi-xô Mô-ét) nhấn mạnh rằng trong giai đoạn đợi vaccine phòng ngừa hiệu quả COVID-19 đến được tay người dân, số ca mới sẽ còn tiếp tục tăng lên, do vậy các quốc gia không được lơ là mà cần tiếp tục duy trì nỗ lực kiểm soát dịch bệnh ở mức cao nhất.

Tuy nhiên, những gì xảy ra trên quy mô toàn cầu trong thời gian qua cho thấy rất nhiều dự đoán liên quan đến diễn biến của COVID-19 đã không chính xác. Anh và Thụy Điển - hai quốc gia có trình độ phát triển khoa học công nghệ hàng đầu thế giới, đã phải trả một cái giá khá đắt cho những dự đoán của mình. Khu vực Mỹ Latinh - nơi có hình thái khí hậu nóng ẩm khá giống với châu Phi - cũng đã trở thành một trong những tâm dịch khốc liệt nhất thế giới.

Nhưng có một điều có thể thấy rõ rằng, với nguồn lực hết sức hạn chế về cả tài chính lẫn cơ sở hạ tầng, lãnh đạo và người dân các nước châu Phi đã và đang nỗ lực hết mình để ứng phó với đại dịch lịch sử, và có thể nói đến giờ phút này, họ đã thành công phần nào. Bởi nếu không, cơn bão COVID-19 có thể sẽ lấy nốt đi những gì tốt đẹp của lục địa vốn đã quanh năm nghèo khó này.

Phi Hùng (TTXVN)
Cảnh báo xu hướng ca mắc mới COVID-19 gia tăng ở châu Phi
Cảnh báo xu hướng ca mắc mới COVID-19 gia tăng ở châu Phi

Ngày 14/6, ông Costantinos Bt. Costantinos - thành viên của Ủy ban kinh tế Liên hợp quốc tại châu Phi (UNECA) đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng nhanh chóng các ca mắc COVID-19 mới tại châu Phi, đặc biệt khi tình trạng này tập trung ở một số quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN