Châu Phi trở thành trọng tâm của các cuộc thảo luận về khí hậu tại COP27

Sau 6 năm và 4 kỳ hội nghị liên tiếp diễn ra tại châu Âu, hội nghị Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu đã quay trở lại châu Phi. Dự kiến Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) sẽ diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập từ ngày 6 - 18/11. Chính quyền và các nhà hoạt động đều kỳ vọng với địa điểm tổ chức hội nghị là châu Phi, lợi ích của châu lục này sẽ được chú trọng trong các cuộc đàm phán về khí hậu.

Chú thích ảnh
Cảnh khô hạn tại hồ Chilwa ở khu vực Zomba, miền đông Malawi. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Kể từ hội nghị đầu tiên tại Berlin (Đức) vào năm 1995, hội nghị COP hằng năm đều luân phiên tổ chức giữa 5 khu vực gồm châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh và Caribe, Trung và Đông Âu, Tây Âu. Đây là lần thứ 5 một quốc gia châu Phi đăng cai tổ chức COP. Nước chủ nhà Ai Cập khẳng định hội nghị là cơ hội đặc biệt cho châu Phi để hài hòa giữa các mục tiêu về biến đổi khí hậu với các mục tiêu khác của châu lục, như cải thiện chất lượng sống và giúp các nước tăng sức chống chịu trước các hiện tượng thời tiết cực đoan. Các nhà tổ chức ước tính hơn 40.000 người sẽ tham dự hội nghị, con số cao nhất từ trước đến nay cho một hội nghị khí hậu diễn ra tại châu lục này.

Ông Mithika Mwenda, người đứng đầu Liên minh công bằng khí hậu liên Phi, nhận định hội nghị đem đến hội hiếm có giúp châu Phi trở thành trung tâm của các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu, đồng thời hy vọng rằng hội nghị sẽ thực sự đáp ứng mong đợi của người dân châu lục. Theo ông Mwenda, nhu cầu và tình trạng đặc biệt của châu Phi cần được xem xét, khi tìm cách tăng tỷ lệ tiếp cận điện cho hàng triệu người dân mà vẫn đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu và hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ông nhấn mạnh trọng tâm của đàm phán cần phải hướng đến cách thức các nước dễ bị tổn thương thích ứng với biến đổi khí hậu, giải quyết vấn đề các nước gây ô nhiễm cao bồi thường cho những nước nghèo hơn, tìm kiếm nguồn tài chính để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch và tăng sức chống chịu trước biến đổi khí hậu. 

Ông Mwenda chỉ ra rằng các nước công nghiệp cần có trách nhiệm đẩy nhanh việc giảm khí thải để đạt mục tiêu khí toàn cầu nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở ngưỡng 1,5 độ C. Mặc dù các nước châu Phi chỉ chiếm 3% tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu, song các chuyên gia cho rằng các nước này đều dễ chịu tác động trước biến đổi khí hậu do thiếu khả năng thích ứng nhanh chóng với việc khí hậu ấm lên.

Cho đến nay, cam kết của các nước giàu về hỗ trợ tài chính cho vấn đề khí hậu, chẳng hạn như khoản cam kết trị giá 100 tỷ USD/năm để giúp các nước nghèo hơn đạt mục tiêu khí hậu, vẫn chưa được đáp ứng. Ai Cập cho rằng hội nghị nên tập trung vào cách thức các nước thực hiện cam kết được đưa ra trong những năm trước.

Người đứng đầu bộ phận biến đổi khí hậu của Ủy ban Kinh tế châu Phi tại LHQ, Jean-Paul Adam nêu rõ châu Phi hy vọng tại COP27 sẽ có tiến bộ về mục tiêu mới trong vấn đề hỗ trợ tài chính. Ông cũng nhấn mạnh việc cần làm rõ khoản nào là tài trợ, khoản nào là cho vay ưu đãi và phần còn lại sẽ được giải quyết thông qua đầu tư của khu vực tư nhân.

Các hội nghị COP trong quá khứ đều đối mặt với bất đồng và các quan điểm cứng rắn do liên quan đến lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, tại hội nghị COP năm 2015, thế giới đã thông qua Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Đây được xem là bước ngoặt lớn song vẫn còn nhiều việc phải làm. Ông Mwenda nhấn mạnh nhiều cuộc đàm phán đã diễn ra suốt 3 thập kỷ, trong khi hệ lụy của khủng hoảng khí hậu đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn do lũ lụt, hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. 

Do đó, Giám đốc khu vực của nhóm môi trường 350Africa.org, Landry Ninteretse tin rằng COP27 sẽ là phép thử về cam kết của các nhà lãnh đạo thế giới trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Theo Giám đốc Ninteretse, thế giới cần có các cơ chế hỗ trợ tài chính hiệu quả để bù đắp tổn thất do biến đổi khí hậu một cách công bằng, dễ tiếp cận và minh bạch.

Đặng Ánh  (TTXVN)
Nguy cơ các dòng sông băng nổi tiếng sẽ biến mất vì biến đổi khí hậu
Nguy cơ các dòng sông băng nổi tiếng sẽ biến mất vì biến đổi khí hậu

Theo báo cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), một số sông băng nổi tiếng nhất thế giới như các sông băng trên dãy Dolomites (Italy), ở các công viên quốc gia Yosemite và Yellowstone (Mỹ) và trên dãy núi Kilimanjaro (Tanzania) sẽ biến mất vào năm 2050 do tình trạng ấm lên toàn cầu. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN