Tổng đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái sinh ở châu Phi đã tăng từ 750 triệu USD năm 2004 lên 3,6 tỷ USD năm 2011. Trong khi đó, cùng kỳ, đầu tư trên toàn thế giới trong lĩnh vực này đã tăng từ 33 tỷ USD lên 211 tỷ USD. Theo báo cáo của Công ty tư vấn phát triển toàn cầu Frost&Sullivan, đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở châu Phi có thể sẽ đạt 57 tỷ USD vào năm 2020, trong bối cảnh châu Phi có một nhu cầu to lớn chưa được đáp ứng và những nguồn năng lượng tái sinh phong phú từ Mặt Trời, gió và địa nhiệt.
Dự án phát triển năng lượng Mặt trời quy mô lớn Desertec ở Bắc Phi. Ảnh: Internet |
Châu Phi mặc dù có các nguồn hóa thạch và năng lượng tái sinh khổng lồ nhưng hiện chỉ có 20% dân số có điện sử dụng. Theo Liên hợp quốc (LHQ), hơn 600 triệu người châu Phi đang sống trong cảnh không có điện. Một thực tế hết sức thất vọng khi 70% dân số ở khu vực tiểu vùng Sahara của châu Phi không được tiếp xúc với các nguồn năng lượng sạch và an toàn. Giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng là một trong các vấn đề cấp bách nhất mà châu Phi đang phải đối mặt. Hơn 2,5 tỷ người đang phải dựa vào các phương thức truyền thống, như sử dụng gỗ, than đá, than củi, hoặc các chất thải động vật để nấu ăn và sưởi ấm.
Một sự khởi đầu khá khiêm tốn trong lĩnh vực năng lượng tái sinh đã bắt đầu trên khắp lục địa Đen. Dự án sản xuất phong điện đã được triển khai ở Ai Cập, Êtiôpia, Kênia, Marốc, Nigiêria, Tuynidi và Tandania. Dự án sản xuất điện từ năng lượng Mặt trời ở Nam Phi dự kiến sẽ đóng góp khoảng 5.000 MW vào mạng lưới điện quốc gia. Dự án Desertec ở Bắc Phi, một dự án năng lượng Mặt Trời quy mô lớn, với tổng chi phí dự kiến lên đến 500 tỷ USD và có thể cung cấp nguồn điện năng lớn cho các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi (MENA) và khoảng 15% lượng điện tiêu thụ ở châu Âu vào năm 2050.
Châu Phi hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ của LHQ khi tại khóa họp Đại hội đồng năm 2010 đã nhất trí thông qua nghị quyết xác định 2012 là "Năm quốc tế về năng lượng bền vững cho tất cả mọi người". Sáng kiến năng lượng bền vững cho tất cả mọi người của LHQ sẽ kết hợp một số các sáng kiến tập trung vào châu Phi, bao gồm cả Ngân hàng thế giới (WB), Tập đoàn chiếu sáng châu Phi, sáng kiến khí hậu Paris-Nairobi, quan hệ liên minh đối tác năng lượng châu Phi - Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh toàn cầu cho nhiên liệu sạch. Tuy nhiên, các sáng kiến này khá giống nhau và cần các nguồn lực tài chính để triển khai.
Thanh Hải