Báo cáo về mức độ ô nhiễm nhựa do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) công bố ngày 12/6 cảnh báo, mỗi tuần, mỗi người trong chúng ta có thể đưa vào cơ thể mình một chiếc thẻ ngân hàng (tương đương với 5 gram nhựa).
Với so sánh hình ảnh này, có thể thấy rõ tác hại của các hạt vi nhựa đối với sức khỏe con người đã tới mức báo động đỏ. Vì vậy, WWF một lần nữa kêu gọi “một hành động khẩn cấp của cả thế giới” nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, do lường được nguy cơ của rác thải nhựa cũng như các hạt vi nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người, Liên minh châu Âu (EU) đã đề ra các giải pháp để hạn chế tác hại từ rác thải nhựa một cách tương đối toàn diện mà các nước trên thế giới có thể tham khảo.
Các hạt vi nhựa là những hạt rất nhỏ từ nhựa, có kích cỡ chủ yếu dưới 5 mm. Chúng được phân loại theo chủng loại khác nhau, căn cứ vào nguồn gốc của chúng. Các hạt vi nhựa sơ cấp được thải trực tiếp vào môi trường từ các hoạt động như giặt quần áo làm từ sợ tổng hợp, sự cọ xát của lốp xe khi chuyển động, từ các sản phẩm làm đẹp như kem dưỡng da… Các hạt vi nhựa thứ cấp phát sinh từ việc phá hủy các đồ vật bằng nhựa, như các túi nhựa, túi ni lông, chai nhựa, lưới đánh cá…. Chúng chiếm khoảng 69 đến 81% các hạt vi nhựa được tìm thấy ngoài đại dương và trong cơ thể các loài động vật biển.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, các hạt vi nhựa có thể được tích tụ trong đất, trong bùn, thường được sử dụng làm phân bón trong nông nghiệp. Một tỷ lệ không nhỏ các hạt vi nhựa được thải trực tiếp ra các sông, suối, hồ và biển. Do có kích cỡ nhỏ, các hạt vi nhựa và siêu vi nhựa (các hạt còn nhỏ hơn được hình thành từ sự phá hủy các hạt vi nhựa) dễ dàng được hấp thu và tiếp theo có thể được tìm thấy trong các chuỗi thực phẩm. Tác động tiềm tàng đối với sức khỏe con người từ các hạt vi nhựa vẫn chưa được các nhà khoa học làm sáng tỏ.
Theo đánh giá của Cơ quan Các sản phẩm hóa học châu Âu (ECHA), nhìn chung, nguy cơ các hạt vi nhựa thải ra môi trường từ các sản phẩm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, nhiều quốc gia thành viên EU đã đưa ra lệnh cấm sử dụng hạt vi nhựa chủ yếu trong sản xuất các mỹ phẩm.
Nghị viện châu Âu hiện đã khuyến nghị Ủy ban châu Âu thiết lập lệnh cấm ở quy mô toàn châu lục đối với tất cả các vi nhựa được sử dụng trong sản xuất các loại mỹ phẩm và các chất tẩy rửa từ nay tới năm 2020, đồng thời phải có các biện pháp nhằm giảm thiểu việc thải vi nhựa từ vải, lốp xe, sơn và đầu lọc thuốc lá.
Ngày 30/1/2019, ECHA đã đề xuất hạn chế sử dụng các hạt vi nhựa cũng như các hợp chất Formaldehyd và siloxane trong sản xuất nhiều loại sản phẩm như mỹ phẩm, các chất tẩy rửa, sơn, bột mầu, vật liệu xây dựng, thuốc, các chất sử dụng trong nông nghiệp, dầu khí. Đề xuất này dựa trên kết luận của ECHA trong đánh giá các nguy cơ của các chất này đối với môi trường và sức khỏe con người.
Để những quy định hạn chế này được thực thi sẽ cần phải có một báo cáo về mức chi phí và hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp - nơi được cho là con đường chủ đạo để các hạt vi nhựa đi vào cơ thể con người.