Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Pháp Julien Denormandie cho biết EU không có nguy cơ thiếu lương thực, nhưng lo ngại những hậu quả mà cuộc xung đột tại Ukraine có thể gây ra ở châu Phi hoặc châu Á, do đó, EU phải đảm bảo an ninh lương thực. Một số quốc gia thành viên cũng tin rằng các mục tiêu xanh của Chính sách nông nghiệp chung (PAC) phải nhường chỗ cho an ninh lương thực.
Nga và Ukraine nằm trong số các nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, chiếm 30% lượng xuất khẩu lúa mì. Do đó, kể từ khi xung đột bùng nổ, giá lúa mì, đậu nành, hạt cải dầu và ngô trên thế giới đã tăng vọt, cũng như giá phân bón và nhiên liệu.
Chính vì vậy, EU đang tìm cách để tăng sản lượng nông nghiệp và hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng do nguồn cung thức ăn chăn nuôi giảm mạnh. Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đưa ra các đề xuất hỗ trợ trong ngày 23/3.
Bộ trưởng Nông nghiệp Áo Elisabeth Köstinger cho biết đề xuất của EC sẽ cho phép tái phát triển 4 triệu hectar đất trồng trọt trên lãnh thổ EU. EC sẽ áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự gián đoạn thị trường và hỗ trợ dự trữ tư nhân thức ăn cho lợn, cho phép sử dụng đất hoang để chăn thả hoặc phát triển cây trồng có protein. EC cũng sẵn sàng tăng tỷ lệ ứng trước trong các khoản thanh toán trực tiếp cho nông dân và sẽ tiếp tục thảo luận với các quốc gia thành viên về khả năng thiết lập một cấu trúc khủng hoảng tạm thời mới.
Các quốc gia thành viên như Pháp, Áo, các nước Trung và Đông Âu cho rằng chiến lược xanh hóa của CAP nên nhường chỗ cho các yêu cầu sản xuất. Một số quốc gia thành viên tin rằng các kế hoạch chiến lược quốc gia, trong đó mỗi nước đặt ra các ưu tiên của CAP mới theo cách riêng của mình, về cơ bản phải nhấn mạnh an ninh lương thực.