Các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã cam kết đến năm 2050 sẽ chuyển đổi sang hệ thống năng lượng có mức phát thải ròng carbon bằng 0. Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về Biến đổi khí hậu (COP29) ở Baku (Azerbaijan), ông Mitsotakis cho rằng: "Chúng ta không thể tập trung quá nhiều vào năm 2050 mà quên mất năm 2024. Chúng ta cần nhiều nguồn lực hơn để chuẩn bị ứng phó kịp thời, nhằm bảo vệ người dân và sinh kế, cũng như giúp người dân và cộng đồng tái thiết sau thảm họa".
Với nguồn nắng và gió dồi dào, kể từ năm 2014, Hy Lạp đã tăng gấp đôi sản lượng năng lượng tái tạo, với nguồn năng lượng này chiếm khoảng một nửa sản lượng điện. Hy Lạp tuyên bố đang trên đà đóng cửa tất cả các nhà máy chạy bằng than vào năm 2028. Tuy nhiên, nước này lại đang ở tuyến đầu của biến đổi khí hậu, phải vật lộn để cứu trợ, khắc phục thiệt hại sau các trận lũ lụt và cháy rừng tàn khốc trong những năm gần đây, mà các nhà khoa học cho rằng có liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu. Năm nay, Hy Lạp đã trải qua mùa Hè nóng nhất trong lịch sử sau một mùa Đông rất ít mưa.
Ông Mitsotakis cho biết châu Âu chiếm tỷ trọng ngày càng giảm trong lượng khí thải toàn cầu, nhưng gần như đơn độc trong việc bảo vệ các quy tắc về thương mại tự do và phải đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ không gây tổn hại đến nền kinh tế. Theo ông, thay vì chấp nhận đánh đổi cạnh tranh để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi, châu Âu nên cân nhắc chậm lại để cho phép ngành công nghiệp thích nghi và phát triển.