Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam đã đưa ra kết luận trên trong nghiên cứu mới nhất về triển vọng ngành năng lượng tái tạo của châu Âu. Nghiên cứu xác định châu Âu cần đầu tư 140 tỷ euro/năm đến năm 2030 và 100 tỷ euro/năm trong 10 năm tiếp theo để có ngành năng lượng bền vững.
Theo nghiên cứu của Potsdam, trong khi vốn đầu tư chủ yếu dồn vào phát triển năng lượng gió trên đất liền, các nguồn khác như năng lượng Mặt Trời, hydro và địa nhiệt cũng là những trụ cột trong chiến lược năng lượng của châu Âu, trong đó năng lượng tái tạo đáp ứng được toàn bộ nhu cầu vào năm 2030. "Lục địa già" sẽ cần thêm 10 năm nữa để chuyển đổi hoàn toàn hệ thống năng lượng, trong đó có hệ thống sưởi ấm bằng dầu và khí đốt - sang các nguồn tái tạo.
Tháng 9 vừa qua, các nhà lập pháp châu Âu đã thông qua lần cuối các mục tiêu có tính ràng buộc pháp lý về mở rộng lĩnh vực năng lượng tái tạo nhanh hơn trong thập kỷ này. Đây là một phần trọng tâm trong kế hoạch của châu lục này nhằm hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu và loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Hiện châu Âu đã điều chỉnh mục tiêu nhằm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng từ 32% lên 42,5% vào năm 2030.
Nghiên cứu của Potsdam cho thấy châu Âu cần đẩy nhanh tốc độ phê duyệt các dự án năng lượng tái tạo để đảm bảo đạt được mục tiêu đã đề ra. Nguồn cung năng lượng tái tạo cần tăng 20% mỗi năm để đáp ứng nhu cầu điện dự kiến của châu Âu vào năm 2030.