Ngoài khối khách hàng chiếm tỷ trọng lớn là các doanh nghiệp và cá nhân thì thị trường máy bay trực thăng còn đáp ứng cho các phân khúc như trực thăng đa nhiệm, hỗ trợ tuần tra duyên hải, dùng cho lực lượng hành pháp và các dịch vụ y tế khẩn cấp.
Bên cạnh đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất và dẫn đầu về giao hàng trực thăng, chiếm tới 33% thị phần toàn thế giới trong giai đoạn từ 2018-2027. Tương tự đối với các thiết bị bay không người lái, Goldman Sachs Research dự báo chi tiêu cho "drone" trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2021 ở châu Á -Thái Bình Dương được ước tính là 14,2 tỷ USD, thị trường lớn thứ hai trên toàn cầu sau Bắc Mỹ, do nhu cầu ngày càng tăng từ các lĩnh vực chính phủ thương mại và dân sự.
Những thông tin này được đưa ra trong khuôn khổ triển lãm máy bay trực thăng (Rotorcraft Asia - RCA 2019) và các hệ thống không người lái (Unmanned Systems Asia - UMSA 2019) vừa khai mạc ngày 9/4 tại trung tâm triển lãm Changi Singapore.
Triển lãm có sự góp mặt của hơn 100 công ty đến từ 23 quốc gia hoạt động trong ngành công nghiệp hàng không. Đây là lần thứ hai RCA và UMSA được tổ chức (lần đầu năm 2017). Triển lãm lần này hứa hẹn nhiều công nghệ mới về máy bay và đặc biệt là thiết bị bay không người lái được giới thiệu.
RCA 2019 và UMSA 2019 sẽ có sự hiện diện của nhiều hãng khổng lồ trong ngành công nghiệp như Airbus Helicopters, BBA Aviation, Bell Helicopter, Garmin, Honeywell Aerospace, L-3 WESCAM, RUAG Aviation, Safran Helicopter Engines Asia, Sikorsky, Lockheed Martin, Standard Aero và Zodiac Aerospace.
Đặc biệt, Rotorcraft Asia 2019 và Unmned Systems Asia 2019 sẽ được tổ chức cùng với Diễn đàn giám đốc điều hành hàng không dân dụng thế giới lần thứ 7 (WCACEF). Các đại biểu của WCACEF sẽ được giới thiệu và thảo luận về công nghệ cất và hạ cánh thẳng đứng mới nhất (eVTOL)
Ban tổ chức cho biết diễn ra trong 3 ngày, từ 9-11/4, Rotorcraft Asia 2019 và Unmned Systems Asia 2019 dự kiến sẽ thu hút khoảng 3.500 đại biểu và khách tham quan đến từ 56 quốc gia trên thế giới.