Châu Á- TBD theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững

Giới chức cấp cao nhiều châu Á - Thái Bình Dương khẳng định theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững.

Tuyên bố ngày 22/5 của Bộ Ngoại giao Bangladesh cho biết kết thúc kỳ họp lần thứ 27 kéo dài 5 ngày vừa qua, Ủy ban kinh tế​-xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) của Liên hợp quốc đã phê chuẩn nghị quyết về phát triển kinh tế biển và khai thác bền vững các nguồn lực đai dương. Đại diện và các phái đoàn 53 nước tham dự kỳ họp đã thảo luận về hợp tác và hội nhập khu vực, xem xét các thách thức mà châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt trong mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Trong những năm gần đây, châu Á-Thái Bình Dương nổi lên là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, tuy nhiên tốc độ phát triển nóng này đang kéo theo sự mất cân bằng xã hội, kinh tế, gây ảnh hưởng đến môi trường… Khu vực hiện được xem là dẫn đầu thế giới về thương mại và phát triển và đang tập trung hướng đến 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong lộ trình thực hiện từ năm 2016 đến 2030, với cơ cấu: đa lĩnh vực, đa ngành nghề, đa dạng hóa các tổ chức thực hiện.

SDGs là chương trình toàn diện được lãnh đạo các nước trên thế giới cam kết ủng hộ nhằm mục đích xóa đói, giảm nghèo và cho phép người dân được tiếp cận với các dịch vụ cơ bản. Đây là một cơ hội chưa từng có để các nước châu Á-Thái Bình Dương có thể chuyển đổi nền kinh tế sang giai đoạn phát triển tích hợp, đảm bảo phát triển cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường bền vững.

Việc tập trung phát triển bền vững vào thời điểm này đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương là rất cần thiết trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chững lại, khoảng cách xã hội gia tăng, hiện vẫn có hơn 1,4 tỷ người phải sống trong cảnh nghèo đói, thiếu nước sạch, không có điện sinh hoạt và hàng loại nguy cơ khác trong cuộc sống.

Theo các chuyên gia, để thực hiện được chương trình SDGs cần có một nguồn kinh phí đáng kể. Các nước châu Á-Thái Bình Dương cần đầu tư khoảng 2.500 tỷ USD/năm để phát triển cơ sở hạ tầng, đả bảo các nhu cầu về y tế, giáo dục, an sinh xã hội cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việc tìm kiếm các nguồn tài chính không chỉ tập trung vào các chính phủ mà còn từ các doanh nghiệp tư nhân. Việc triển khai nghiên cứu khoa học, công nghệ cũng cần phải được quan tâm, thúc đẩy. Chỉ tính riêng trong năm 2013, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đã đầu tư hơn 650 tỷ USD vào nghiên cứu khoa học-công nghệ.

Mặt khác, các nước châu Á-Thái Bình Dương cũng cần có cách tiếp cận tích hợp, quan tâm hơn đến việc cải thiện khả năng quản lý. Cần phải có sự hợp tác phát triển đa phương - không chỉ ở cấp quốc gia, giữa các bang và chính quyền địa phương với các thành phố, mà còn hợp tác trong khu vực và trên toàn cầu, đồng thời củng cố các tổ chức tài chính để tập trung các nguồn lực cho sự phát triển.

Chương trình SDGs của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang được ESCAP đặc biệt quan tâm. Năm 2014, ESCAP đã khai mạc Diễn đàn Phát triển bền vững khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện chương trình này đang được quan tâm đẩy mạnh để đảm bảo mục tiêu đến năm 2030 sẽ thành hiện thực. Theo kế hoạch, trong năm 2016, Diễn đàn sẽ thảo luận về cách thức cụ thể thực hiện SDGs đối với các nước thành viên.

TTXVN/Tin Tức
Hài hòa với thiên nhiên để phát triển bền vững
Hài hòa với thiên nhiên để phát triển bền vững

Ở Thái Lan, có một ngôi trường rất đặc biệt, tất cả những học viên theo học ở đây đều được truyền đạt một tư duy, lối sống bền vững với thiên nhiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN