Những điểm nghỉ dưỡng đáng mơ ước này - kết hợp với sức mạnh kinh doanh của khu vực - đã giúp châu Á-Thái Bình Dương giữ vững danh hiệu khu vực du lịch lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ qua.
Nhưng với việc một số nơi như Trung Quốc và Nhật Bản còn tương đối chậm dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh liên quan đến đại dịch COVID-19, việc di chuyển bằng đường hàng không ở châu Á-Thái Bình Dương vẫn ở mức thấp so với mức trước đại dịch.
Theo báo cáo mới từ các nhà phân tích ngành du lịch quốc tế, Trung tâm Hàng không (CAPA) dự đoán châu Á-Thái Bình Dương sẽ không còn là khu vực du lịch lớn nhất thế giới vào cuối năm 2022 và nhường lại danh hiệu này cho châu Âu.
Theo CAPA, vốn là nơi từng chiếm hơn 1/3 tổng số hành trình của hành khách trên toàn cầu, hoạt động hàng không tại châu Á-Thái Bình Dương đã giảm 45% so với mức trước đại dịch.
Trong khi đó, CAPA cho rằng việc đi lại bằng đường hàng không của châu Âu đã phục hồi tới khoảng 85% mức trước đại dịch, mặc dù còn đang chịu tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine.
Phục hồi chậm
Năm 2019, 3,38 tỷ lượt hành khách đã quá cảnh qua các sân bay ở châu Á-Thái Bình Dương. Các dự đoán hiện tại từ Hội đồng sân bay quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ACI) cho thấy 1,84 tỷ hành khách sẽ đi qua các trung tâm du lịch của khu vực này vào cuối năm 2022.
Theo ACI và CAPA, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự phục hồi chậm chạp này là chính sách "Zero COVID” của Trung Quốc và việc Nhật Bản chậm nới lỏng hạn chế đi lại. Đây là hai trong số những thị trường du lịch hàng đầu của khu vực này.
CAPA báo cáo rằng hầu hết chuyến du lịch đến châu Á-Thái Bình Dương vẫn ở mức dưới 50% so với năm 2019. Chỉ có một số trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như Ấn Độ, thấp hơn 11% so với con số của năm 2019.
Du lịch nội địa ở châu Á-Thái Bình Dương đang phục hồi nhanh hơn so với du lịch quốc tế. Ví dụ, du lịch nội địa ở Trung Quốc chỉ giảm 5,4% so với mức năm 2019.
Nhìn chung, CAPA dự đoán châu Á-Thái Bình Dương sẽ không có cơ hội trở lại mức sôi động như trước đại dịch cho đến cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
"Ngay cả khi đó, sự phục hồi vẫn phụ thuộc vào cách thức các quốc gia mở cửa biên giới và chấm dứt các hạn chế đi lại kéo dài, cũng như tình hình kinh tế và dịch tễ học khác", báo cáo viết.