Đại sứ quán Mỹ tại Cuba. Ảnh: Lê Hà/Pv TTXVN tại Cuba |
Quyết định này tiếp tục phủ bóng đen lên quan hệ giữa Mỹ và Cuba và gây tổn hại cho chính các gia đình Mỹ gốc Cuba bị chia cắt bởi Eo biển Florida, những người đã chật vật để xin thị thực đi thăm nhau qua lại kể từ khi Mỹ lần đầu tiên cắt giảm mạnh số nhân viên Đại sứ quán vào tháng 9 năm ngoái do "vụ tấn công sóng âm" mà Mỹ nói đã khiến hơn hai chục nhân viên ngoại giao Mỹ bị mất thính lực, chóng mặt và mệt mỏi.
Theo quy định của luật pháp Mỹ, Bộ Ngoại giao phải quyết định có gửi các nhà ngoại giao trở lại 6 tháng sau khi ra lệnh cho họ rời đi hay không, và hạn chót cho quyết định đó là cuối tuần này.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: "Đại sứ quán Mỹ tại La Habana sẽ tiếp tục hoạt động với số nhân viên tối thiểu cần thiết để thực hiện các chức năng ngoại giao và lãnh sự cốt lõi, tương tự như mức độ nhân viên khẩn cấp được duy trì trong lúc nhân viên rời đi theo lệnh". Cũng theo thông báo, Đại sứ quán Mỹ sẽ hoạt động như một cơ sở không người túc trực. Điều này có nghĩa là các nhà ngoại giao sẽ không được phép dọn đến ở đó với người nhà của mình.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tiếp tục duy trì "cảnh báo du lịch" đến Cuba khi nói rằng du khách Mỹ có thể có nguy cơ bị "tấn công sức khỏe" một cách bí ẩn. Đây là một đòn giáng cho các công ty lữ hành của Mỹ lẫn khu vực tư nhân non trẻ của Cuba vốn đã hưởng lợi nhờ các chuyến thăm từ Mỹ tăng mạnh.
Giới quan sát cho rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump rõ ràng đang sử dụng các vụ việc được cho là liên quan tới sức khỏe để biện minh cho việc xóa bỏ chính sách hòa hoãn được xây dựng vào năm 2014 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro.
Sau quyết định ngày 29/9/2017 với cái cớ về các vụ "tấn công sóng âm", chính quyền của Tổng thống Trump cũng đã trục xuất 15 trên tổng số 25 cán bộ nhân viên Đại sứ quán Cuba tại Mỹ, tương ứng với việc Washington quyết định rút về nước 60% số nhân viên ngoại giao ở La Habana.
Đây cũng là lý do khiến Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson tại thủ đô Washington hồi tháng 9 năm ngoái để bàn về vụ việc này. Phía Cuba khẳng định "vẫn chưa tìm thấy nguyên nhân hay nguồn gốc thứ gây ảnh hưởng sức khỏe các nhà ngoại giao Mỹ". Các chuyên gia y tế đều cho rằng rất khó để xác định các cuộc tấn công được thực hiện như thế nào và động cơ của chúng. Cuba cũng nhiều lần khẳng định họ "chưa bao giờ và sẽ không bao giờ thực hiện những vụ tấn công nhằm vào nhân viên ngoại giao" và nước này cũng đã triển khai các biện pháp bổ sung để bảo vệ nhân viên ngoại giao Mỹ.
Bất chấp những khẳng định của Cuba rằng nước này chưa và sẽ không bao giờ cho phép lãnh thổ của mình bị lợi dụng để thực hiện bất kỳ hành động nào chống lại các nhà ngoại giao nước ngoài và gia đình họ, và bản thân Washington không thể đưa ra bằng chứng xác thực nào để đổ lỗi cho La Habana, song chính quyền Mỹ vẫn đơn phương thực hiện "đòn ngoại giao" đối với Cuba.
Không phải đến lúc này mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba có chiều hướng xấu đi. Trên thực tế, kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền hồi đầu năm 2017 đến nay, Washington đã nhanh chóng bãi bỏ một số chính sách hợp tác với Cuba, báo hiệu những sóng gió của mối quan hệ này trong tương lai. Việc siết chặt các quy định về đi lại, nghiêm cấm công dân Mỹ làm ăn với doanh nghiệp quốc doanh Cuba, dừng mọi hoạt động giao lưu nhân dân và chỉ cho phép tiến hành các chuyến đi thăm thân... là những bước đi có chủ ý nhằm "đảo ngược" những thành quả đạt được dưới thời cựu Tổng thống Obama. Bởi vậy, câu chuyện "sự cố căn bệnh bí hiểm" tại Đại sứ quán Mỹ ở Cuba không khỏi khiến người ta liên tưởng tới một "màn kịch" được lên kế hoạch bài bản.
Quyết định mới của Bộ Ngoại giao Mỹ có thể khiến quan hệ giữa Mỹ và Cuba càng xấu đi và có thể coi là bước lùi mới trong quan hệ hai nước.