Theo hãng tin AP, trong ngày thứ 9 biểu tình trên toàn quốc, một số nhóm người theo chủ nghĩa vô chính phủ thuộc “Khối đen” (Black Bloc) đã đập vỡ cửa kính các cửa hàng, phá hoại xe cộ, đốt thùng rác trên đường phố và xông vào một nhà hàng McDonald.
Cảnh sát chống bạo động đã được huy động, dùng hơi cay và lựu đạn gây choáng để giải tán và ngăn chặn những đối tượng cực đoan phá phách. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết 123 cảnh sát đã bị thương và 80 người bị bắt trên cả nước.
Ngoài thủ đô Paris, một số vụ đụng độ bạo lực cũng xảy ra ở các thành phố khác như Nates, Bordeaux và Rennes.
Các liên đoàn lao động lo ngại các cuộc biểu tình có thể trở nên bạo lực hơn nếu chính phủ không tìm cách kiểm soát cơn tức giận ngày càng tăng của người dân đối với chính sách nâng tuổi về hưu.
Bà Marylise Leon, Phó Tổng thư ký công đoàn CFDT, cho biết: “Trách nhiệm liên quan tình hình phức tạp này không thuộc về các công đoàn mà thuộc về chính phủ”.
Ngày 22/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phá vỡ nhiều tuần im lặng về chính sách mới, tuyên bố sẽ giữ vững lập trường và luật sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Ông so sánh các cuộc biểu tình đang diễn ra tại Pháp giống với cuộc tấn công vào Điện Capitol của Mỹ vào ngày 6/1/2021.
Xem đụng độ dữ dội xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình tại Paris (nguồn: Reuters):
Trong các cuộc thăm dò ý kiến trước đây, đa số cử tri phản đối đề xuất nâng độ tuổi nghỉ hưu. Thậm chí cơn giận dữ còn bị thổi bùng lên khi người dân biết được chính phủ đã đưa ra những thay đổi về lương hưu thông qua quốc hội mà không cần bỏ phiếu.
Bộ Nội vụ Pháp cho biết 1,089 triệu người đã biểu tình trên khắp cả nước, trong đó có 119.000 người ở thủ đô Paris. Đây là một con số kỷ lục kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng 1.