Số lượng hiệu thuốc ở Hong Kong (Trung Quốc) ngày càng nhiều, nhưng trong số đó đã xuất hiện những hiệu thuốc “treo đầu dê bán thịt chó”, bán hàng nhái cho khách hàng.Một cửa hàng thuốc trên đường Shan Tung bị tố bán hàng nhái. Ảnh: Internet |
Truyền thông Hong Kong cho hay phố Shan Tung ở Mong Kok dài chưa đầy 50m mà đã có tới 11 hiệu thuốc và 10 trong số đó đã có hành vi lừa gạt khách hàng bằng cách bán hàng nhái.
Trong vai khách hàng đi mua thuốc hộ bạn, phóng viên một tờ báo ở Hong Kong đã tới cả 11 cửa hàng thuốc trên phố Shan Tung, chìa tờ giấy ghi tên 4 loại thuốc bán chạy ở Hong Kong.
Kết quả cho thấy khi phóng viên dùng tiếng phổ thông để mua hàng chỉ có duy nhất một hiệu thuốc mang tên “Hải vận dược phòng” (Pacific Farmacy) là bán hàng chính hãng, 10 cửa hàng còn lại đều cài vào hàng nhái, trong đó hiệu thuốc “bách niên đại dược phòng” (Century Medicine Company) bán ra toàn bộ là hàng nhái.
Khi một phóng viên khác sử dụng tiếng Quảng Đông (ngôn ngữ thông dụng ở Hong Kong) để trao đổi, kết quả thu được khá hơn, có 3 hiệu thuốc bán hàng chính hãng, 8 hiệu thuốc còn lại cài hàng nhái, trong đó Century Medicine Company vẫn đứng đầu bảng với cả 4 mặt hàng bán ra đều là hàng nhái.
Qua quan sát, phóng viên phát hiện những mặt hàng thuốc bày ở những nơi bắt mắt, khách hàng có thể tự lấy được ở nhiều hiệu thuốc đa phần là thuốc nhái sử dụng bao bì của các hãng danh tiếng.
Đặc biệt, tại hiệu thuốc Century Medicine Company, khi phóng viên kiên trì yêu cầu mua dầu Bạch Hoa, nhân viên khăng khăng nói rằng dầu Bạch Hoa do hiệu thuốc của mình bán ra mới là chính hãng ở Hong Kong còn loại phóng viên yêu cầu là hàng Trung Quốc đại lục, sau đó nhanh chóng sử dụng giấy mầu gói hàng lại, không cho phóng viên xem nữa.
Trong số 11 hiệu thuốc ở phố Shan Tung, phóng viên thấy có một hiệu thuốc mang tên “Đại Sơn dược phòng” (大山藥房) xuất hiện trên trang web của Tổng Thương hội các hiệu thuốc Cửu Long-Hong Kong, phải tuân thủ “cam kết bán hàng chính hãng” theo đăng ký với cơ quan bản quyền tri thức.
Tuy nhiên, khi phóng viên sử dụng tiếng phổ thông, hiệu thuốc này chỉ bán 1 mặt hàng chính hãng còn lại đều là hàng nhái; khi phóng viên sử dụng tiếng Quảng Đông, hiệu thuốc này bán cho 2 mặt hàng nhái, hai mặt hàng còn lại nói là hết hàng.
Ngoài việc bán hàng không chính hãng, giá bán ở các hiệu thuốc khác khác nhau, thậm chí có khách hàng mua một hộp thuốc nhuộm tóc ở hiệu thuốc Century Medicine Company với giá 80 HKD, đắt gần gấp đôi so với giá một hộp thuốc nhuộm tóc cùng loại bán ngoài thị trường (50 HKD).
Theo Ủy viên Hội đồng Lập pháp Hong Kong Thang Gia Tuấn, nếu nhân viên hiệu thuốc cố ý “lập lờ đánh lận con đen” sẽ phạm vào tội lừa gạt, khách hàng có thể yêu cầu trả hàng, đổi hàng, thậm chí yêu cầu hiệu thuốc bồi thường dân sự.
Trong trường hợp hàng không chính hãng liên quan tới hành vi làm giả, làm nhái thì các công ty chính hãng có thể yêu cầu công ty liên quan bồi thường dân sự.
Hoàng Linh