Cảnh báo xung đột khiến tỉ lệ nghèo đói tại Mỹ Latinh tăng vọt

Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) ngày 6/6 cảnh báo những tác động của xung đột ở Ukraine, đặc biệt là giá năng lượng và lương thực leo thang, sẽ đẩy tỉ lệ nghèo đói ở khu vực lên 33,7%, tăng 1,6% so với năm 2021, và tỉ lệ nghèo cùng cực lên 14,9%, tăng 1,1% so với năm ngoái.

Chú thích ảnh
Người vô gia cư tới các khu lều tạm để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Guatemala City, Guatemala, ngày 1/4/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Báo cáo mới của cơ quan trực thuộc Liên hiệp quốc ước tính xung đột sẽ đẩy 7,8 triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực và mất an ninh lương thực ở khu vực vốn đã ghi nhận 86,4 triệu người phải sống trong hoàn cảnh nói trên. CEPAL nhấn mạnh những con số này cao hơn đáng kể so với mức trước đại dịch và làm suy giảm khả năng phục hồi nhanh chóng của khu vực.

Báo cáo của CEPAL cho biết lạm phát đã bắt đầu gia tăng ở Mỹ Latinh từ giữa năm 2021, chủ yếu do các khoản trợ cấp trong đại dịch và tiêu dùng gia tăng. Nếu như đến hết năm 2021, tỉ lệ lạm phát của khu vực ở mức 6,6%, trong tháng 4/2022 lạm phát đã tăng vọt lên 8,1% và hầu hết các ngân hàng trung ương đều dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục neo ở mức cao đến hết năm nay. CEPAL cảnh báo tác động của giá cả leo thang và tăng trưởng chững lại đối với người nghèo ở mỗi quốc gia là khác nhau. Đáng chú ý, lạm phát cao không chỉ tác động đến dân số nghèo cùng cực, mà cả những hộ gia đình có mức thu nhập trung bình và trung bình thấp. Khi thu nhập giảm, nhóm dân số này bắt buộc phải tăng tỉ lệ chi tiêu cho lương thực thực phẩm. Trước tình trạng đó, CEPAL kêu gọi không hạn chế thương mại quốc tế đối với các mặt hàng lương thực và phân bón, duy trì hoặc tăng trợ cấp lương thực, xóa bỏ thuế nhập khẩu ngũ cốc và các sản phẩm cơ bản khác.

Bên cạnh lạm phát, CEPAL cho biết bối cảnh quốc tế bất ổn và hoạt động kinh tế thương mại khu vực chững lại cũng là nguyên nhân khiến tỉ lệ nghèo đói ở Mỹ Latinh và Caribe tăng cao. Trước đó, cơ quan này dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực chỉ đạt trung bình 1,8% trong năm nay, sau khi phục hồi ở mức 6,3% trong năm 2021. Như vật, Mỹ Latinh có xu hướng quay trở lại mô hình tăng trưởng trì trệ trong giai đoạn 2014-2018, khi GDP bình quân chỉ tăng 0,3%/năm.

CEPAL cũng nhận định giá nguyên vật liệu tăng cao, chi phí vận chuyển “trên trời” và gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tác động đến xuất khẩu hàng hóa của khu vực. Tháng 12/2021, cơ quan này dự báo kim ngạch xuất khẩu của Mỹ Latinh sẽ tăng 10% và nhập khẩu tăng 9% trong năm nay. Tuy nhiên, những biến động gần đây khiến CEPAL nâng dự báo tăng trưởng cả xuất khẩu và nhập khẩu của khu vực lên 23%.

Thư kí điều hành lâm thời của CEPAL Mario Cimoli khẳng định cần xem xét những ảnh hưởng của tình hình hiện nay trong mối liên kết với những tác động phát sinh từ hơn một thập kỉ tích lũy khủng hoảng, từ cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, căng thẳng kinh tế giữa các siêu cường và đại dịch COVID-19. Ông Cimoli kêu gọi mở rộng không gian tài chính và tăng thu nhập đồng thời tăng đầu tư, cũng như tăng cường vai trò của liên kết khu vực trong ứng phó với khủng hoảng. Quan chức CEPAL kết luận, để thúc đẩy hội nhập khu vực, các quốc gia cần nhận thức được rằng Mỹ Latinh và Caribe sẽ “đoàn kết thì thắng, chia rẽ thì bại” trong lĩnh vực lương thực và năng lượng.

Hồng Hạnh (TTXVN)
Đại dịch đã đẩy thêm 400.000 người Cameroon vào cảnh nghèo đói
Đại dịch đã đẩy thêm 400.000 người Cameroon vào cảnh nghèo đói

Theo một nghiên cứu được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 31/5, đại dịch COVID-19 đã khiến thêm 400.000 người ở Cameroon rơi vào cảnh bấp bênh, nơi hơn 25% dân số vốn đã sống dưới mức nghèo khổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN