Báo cáo mới được thực hiện dựa trên dữ liệu từ 101 quốc gia và kết quả khảo sát của WHO về biến đổi khí hậu và sức khỏe con người năm 2018.
Báo cáo cho biết các quốc gia đang ngày càng ưu tiên vấn đề biến đổi khí hậu và sức khỏe con người, theo đó một nửa số quốc gia được khảo sát đã xây dựng chiến lược hoặc kế hoạch về biến đổi khí hậu và y tế quốc gia, tuy nhiên chỉ có khoảng 38% quốc giá có nguồn tài chính để thực hiện một phần chiến lược quốc gia và chưa đến 10% quốc gia có nguồn lực để thực hiện đầy dủ chiến lược của họ.
Theo Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, biến đổi khí hậu không chỉ làm tăng những hậu quả mà các thế hệ tương lai, mà hiện tại mọi người đang phải trả giá bằng sức khỏe. Vì vậy các quốc gia có nguồn lực có nghĩa vụ đạo đức phải chống lại tình trạng biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe của con người trong hiện tại và tương lai.
Khoảng 48% các nước đã tiến hành đánh giá về những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra đối với sức khỏe cộng đồng, theo đó các rủi ro về sức khỏe nhạy cảm với khí hậu phổ biến nhất được xác định là căng thẳng do nắng nóng, thương tích hoặc tử vong do các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thực phẩm, nước và các bệnh truyền nhiễm như dịch tả, sốt xuất huyết hoặc sốt rét.
Kết quả cho thấy các quốc gia đã gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế để bảo vệ sức khỏe của người dân. Ngoài ra, có chưa tới 25% các quốc gia có sự phối hợp rõ ràng giữa y tế và các lĩnh vực quan trọng liên quan đến biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí, giao thông, phát điện và năng lượng hộ gia đình.
Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Ủy ban Môi trường, Biến đổi khí hậu và Sức khỏe thuộc WHO, cho biết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm bảo vệ sức khỏe của mọi người. Tất cả các cấp chính quyền cần ưu tiên xây dựng khả năng phục hồi của hệ thống y tế trước tình trạng biến đổi khí hậu và ngày càng nhiều chính phủ các nước đi theo hướng để hiệp định này có thể trở thành thỏa thuận y tế quốc tế mạnh nhất thế kỷ.