Các hạt siêu mịn (UFP), nhỏ hơn khoảng 1.000 lần so với sợi tóc người, được giải phóng trong quá trình máy bay cất cánh và hạ cánh. Kích thước cực nhỏ khiến UFP dễ dàng xâm nhập các mô của con người và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những hạt này có hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, UFP phần lớn vẫn chưa được kiểm soát.
Tổ chức T&E, có trụ sở tại Brussels, đã phân tích nồng độ UFP xung quanh sân bay Amsterdam-Schiphol dựa trên dữ liệu do Viện Y tế cộng đồng và Môi trường quốc gia Hà Lan (RIVM) thu thập. Sau đó, T&E đã áp dụng kết quả này với 32 sân bay bận rộn nhất châu Âu, giả định rằng ô nhiễm UFP tăng lên cùng với lưu lượng hàng không và phân bổ đều xung quanh mỗi sân bay.
Theo T&E, trong bán kính 5 km xung quanh sân bay Amsterdam-Schiphol, các nhà nghiên cứu RIVM đã ghi nhận nồng độ UFP từ 4.000 đến 30.000 hạt trên mỗi centimet khối (cm3). Trong khi tại các trung tâm thành phố, nồng độ UFP ở mức từ 3.000 đến 12.000 hạt trên mỗi cm3, chứng tỏ các sân bay có ảnh hưởng quan trọng đối với tình trạng ô nhiễm UFP. Theo đó, T&E kết luận 52 triệu người sống trong bán kính 20 km xung quanh sân bay bận rộn tại châu Âu có nguy cơ bị tổn hại sức khỏe nghiêm trọng do nồng độ UFP cao.
T&E cũng cho rằng việc giảm lưu lượng hàng không và cải thiện chất lượng nhiên liệu máy bay có thể giảm thiểu vấn đề trong thời gian ngắn, đồng thời mang lại những lợi ích bổ sung về khí hậu. Tổ chức này kêu gọi tăng cường giám sát và nâng các mục tiêu giảm UFP.
Tháng 2 vừa qua, Airparif - cơ quan giám sát chất lượng không khí ở khu vực Paris, đã đo được nồng độ UFP 23.000/cm3 tại sân bay Paris Charles de Gaulle. Cơ quan giám sát này nhận thấy nồng độ UFP đặc biệt cao trong phạm vi 5 km xung quanh các sân bay.