Cảnh báo Mỹ tăng thuế với thép và nhôm nhập khẩu sẽ cản trở đàm phán lại NAFTA

Việc Mỹ chủ trương tăng thuế đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu "là một tín hiệu xấu" đối với những nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán lại về Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hiện nay.

Đây là nhận định của ông Ignacio Martinez, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế thuộc Đại học Quốc lập Mexico (UNAM).

Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất thép ở Salzgitter, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nhận định của Giáo sư Martinez, việc Mỹ tăng thuế đối với mặt hàng thép và nhôm sẽ trở thành chủ đề chính được thảo luận tại các cuộc đàm phán tiếp theo về NAFTA, tuy nhiên, ông cho rằng các bên sẽ khó đạt được sự đồng thuận về vấn đề này. Ông nhấn mạnh: "Tôi không thấy triển vọng lạc quan về tái đàm phán NAFTA thành công". Ông cảnh báo sự sụp đổ của NAFTA - một thỏa thuận thương mại đã tồn tại trong 20 năm qua, sẽ gây ra hậu quả "tai hại" như châm ngòi cho các cuộc chiến tranh thương mại trực tiếp giữa 3 nước Bắc Mỹ, ngay lập tức khiến hàng triệu lao động của Mexico, Mỹ và Canada mất việc làm.
         
Hôm 1/3, Mỹ đã công bố kế hoạch sẽ áp mức thuế 25% và 10% lần lượt đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ tất cả các nước và vùng lãnh thổ, trong đó có cả Mexico và Canada - hai đối tác của nước này trong NAFTA. Theo ông Martinez, cả Mexico và Canada đều chịu ảnh hưởng bởi chính sách này của Mỹ, trong đó Canada chịu tác động lớn hơn do Ottawa là một trong những nhà cung cấp chính mặt hàng này cho thị trường Mỹ. Ông cho rằng việc Mỹ công bố kế hoạch tăng thuế nói trên giữa lúc các cuộc đàm phán NAFTA đang diễn ra sẽ khiến các cuộc thương lượng trở nên căng thẳng và khó khăn hơn. Hiện đại diện thương mại của cả 3 nước vừa kết thúc vòng đàm phán thứ 7 về NAFTA ngày 5/3. Tại vòng đàm phán này, ba bên đã đồng thuận về 7/18 chủ đề thương mại chính. Để chuẩn bị cho vòng đám phán thứ 8 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3 này, các bên đang tiếp tục tìm cách kiện toàn các thỏa thuận của 8 chủ đề thương mại như nông nghiệp, các biện pháp chống tham nhũng, quyền tiếp cận các thị trường... 5 chủ đề thương mại còn lại vẫn chưa được đưa ra thảo luận.
 

Chủ trương tăng thuế đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu của Mỹ cũng đã vấp phải sự phản đối của nhiều nền kinh tế trên thế giới, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ làm bùng nổ các cuộc chiến tranh thương mại. Nhật Bản - một đồng minh thân cận của Mỹ, ngày 6/3 hối thúc Mỹ từ bỏ kế hoạch này. Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko (Hi-rô-si-ghê Xê-cô) khẳng định nhôm và thép chất lượng cao của Nhật Bản xuất khẩu không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ mà đang góp phần tạo việc làm cho người dân và thúc đẩy kinh tế của Mỹ. Ông từ chối bình luận về khả năng Nhật Bản sẽ có biện pháp đáp trả Mỹ. Tuy nhiên, ông khẳng định mọi biện pháp đáp trả Mỹ, nếu có, sẽ phải tuân thủ quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Thủ tướng Shinzo Abe đã điện đàm với người đồng cấp Canada và Australia thảo luận về kế hoạch tăng thuế của Mỹ đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu. Cả 3 nước này đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo kế hoạch, các bộ trưởng 11 nước tham gia CPTPP sẽ ký kết CPTPP tại Chile vào ngày 8/3 tới để hiệp định bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019.


TTXVN/Báo Tin tức
Brazil phản đối kế hoạch tăng thuế của Mỹ tại WTO
Brazil phản đối kế hoạch tăng thuế của Mỹ tại WTO

Chính phủ Brazil đã nêu ý kiến lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), phản đối kế hoạch của Mỹ tăng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu, đồng thời kêu gọi Nhà Trắng xem xét lại quyết định này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN