Theo Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này đã nhiều lần chỉ ra rằng cuộc điều tra do Liên minh châu Âu (EU) tiến hành có nhiều điểm không hợp lý, không phù hợp với quy định, là hành động bảo hộ dưới danh nghĩa “cạnh tranh công bằng”.
Trung Quốc không đồng tình và không chấp nhận phán quyết này, đồng thời đưa vụ việc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Phía Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp nước này.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết thêm, phía Trung Quốc cũng chú ý đến việc phía châu Âu bày tỏ sẽ tiếp tục thương lượng với Trung Quốc về cam kết giá cả. Phía Trung Quốc chủ trương giải quyết tranh chấp thương mại thông qua đối thoại và thương lượng. Hiện tại, đội ngũ kỹ thuật của cả hai bên đang tiến hành thương lượng giai đoạn mới, hy vọng phía châu Âu có thái độ xây dựng và cùng Trung Quốc thúc đẩy, tuân theo nguyên tắc “thực tiễn, cân bằng”, quan tâm đến những mối quan ngại cốt lõi của nhau, sớm đạt được giải pháp mà cả hai bên đều có thể chấp nhận, tránh làm tranh chấp thương mại leo thang.
Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU cũng bày tỏ sự thất vọng sâu sắc trước biện pháp "bảo hộ" và "độc đoán" của khối, đồng thời lo ngại về việc thiếu tiến triển đáng kể trong các cuộc đàm phán nhằm tìm giải pháp thay thế cho thuế quan.
Ngày 29/10, EU đã nhất trí áp thuế bổ sung đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi các cuộc đàm phán với Bắc Kinh không đạt được thỏa thuận giúp chấm dứt tình trạng bế tắc. Quyết định được công bố trên công báo chính thức của EU vào ngày 29/10 và sẽ có hiệu lực một ngày sau đó.
Trong quyết định cuối cùng được công bố, EC xác nhận EU sẽ áp mức thuế mới cao nhất lên tới 35,3%, ngoài mức thuế 10% hiện hành đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cụ thể, thuế đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ là 17% đối với xe của BYD, 18,8% đối với xe của Geely và 35,3% đối với xe của SAIC thuộc sở hữu nhà nước. Geely có các thương hiệu bao gồm Polestar và Volvo của Thụy Điển, trong khi SAIC sở hữu MG của Anh, một trong những thương hiệu xe điện bán chạy nhất châu Âu.
EC cho rằng áp thuế chống bán phá giá là cần thiết để đối phó với các khoản trợ cấp không công bằng của Trung Quốc, bao gồm ưu đãi tài chính, cấp đất, pin và nguyên liệu thô dưới giá thị trường. Theo EC, năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc ước đạt 3 triệu xe EV mỗi năm, gấp đôi quy mô thị trường EU.
Tuy nhiên, các thành viên EU không thống nhất về việc áp thuế bổ sung đối với xe điện Trung Quốc. Đức, nền kinh tế lớn nhất EU và là nhà sản xuất ô tô lớn, đã phản đối việc áp thuế trong cuộc bỏ phiếu hồi đầu tháng 10. Các nhà sản xuất ô tô Đức cũng chỉ trích mạnh mẽ các biện pháp của EU, lo ngại rằng Trung Quốc có thể áp thuế nhập khẩu cao hơn đối với xe chạy xăng cỡ lớn và gây ảnh hưởng nặng nề đến họ.
Trong khi đó, Hiệp hội ô tô PFA của Pháp hoan nghênh việc áp thuế, khẳng định họ ủng hộ thương mại tự do miễn là công bằng.
EU và đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ hai của mình sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận nhằm tìm kiếm các giải pháp thay thế, ngay cả sau khi thuế quan có hiệu lực. Nhưng các cuộc đàm phán đó cho đến nay vẫn chưa đạt được đột phá. Bế tắc này làm tăng nguy cơ leo thang “ăn miếng trả miếng” trong mối quan hệ thương mại hàng hóa trị giá 739 tỷ euro (799 tỷ USD theo số liệu năm 2023) giữa hai bên.
Các quan chức châu Âu cho biết Trung Quốc có thể sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa vào tháng tới. Trước đó, Trung Quốc đã tiến hành những động thái đáp trả biện pháp áp thuế tạm thời của châu Âu, bao gồm điều tra đối với rượu brandy, sữa và các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu từ EU.