IHS Markit cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Mỹ đầu tháng 6 đứng ở mức thấp nhất kể từ tháng 9/2009 là 50,1 điểm. PMI trên 50 điểm có nghĩa lĩnh vực chế tạo chiếm 12% kinh tế Mỹ này có sự tăng trưởng. Trong khi đó, chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ ở mức thấp kể từ tháng 2/2016 là 50,7 điểm. Số liệu PMI của cả hai lĩnh vực này trong tháng 6 đều thấp hơn so với dự báo của các nhà phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Reuters.
Nhà kinh tế của IHS Markit, Chris Williamson, cho biết, vào đầu tháng này, 2/3 số nhà chế tạo tham gia khảo sát của IHS Markit cho rằng việc chi phí của một số hoặc toàn bộ nguyên liệu thô tăng lên là do tác động của việc Mỹ tăng thuế.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu vào năm ngoái và leo thang trong tháng trước sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Trung Quốc đã phản ứng lại bằng việc tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Ông Trump dọa sẽ có động thái tương tự đối với 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, nếu Trung Quốc không sớm nhất trí một thỏa thuận thương mại. Ông có kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản vào tuần tới.
Số liệu kinh tế khác được công bố ngày 21/6 cho thấy doanh số bán nhà tăng trong tháng 5, có thể là kết quả từ những nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc tránh nguy cơ suy thoái cho nền kinh tế với việc duy trì lãi suất thấp. Trong khi nhiều chỉ số vẫn biểu thị sự vững vàng của nền kinh tế, các nhà hoạch định chính sách của Fed ngày càng quan ngại rằng đà tăng trưởng kinh tế trong 10 năm có thể đang đứng trước rủi ro.
Nhiều ý kiến cho rằng căng thẳng thương mại là một yếu tố dẫn đến sự thay đổi lập trường chính sách của Fed trong tuần này. Thông báo chính sách mới nhất ngày 19/6 cho thấy gần một nửa số nhà hoạch định chính sách của Fed nhận định về khả năng hạ lãi suất trong năm nay.