Tại phiên điều trần, ông Lighthizer cho rằng chính sách tăng thuế của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể không đủ để buộc Bắc Kinh thực hiện các cải cách kinh tế theo yêu cầu của Washington, song các rào cản thương mại là chỗ dựa duy nhất vì đối thoại đã thất bại.
Ông Lighthizer nhấn mạnh: “Tôi không biết liệu chỉ sử dụng thuế quan có làm họ chấm dứt lừa dối hay không. Tôi cho rằng không có lựa chọn nào khác. Tôi biết một thứ sẽ không có tác dụng, đó là đối thoại với họ”.
Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh phá vỡ các cam kết trên bàn đàm phán hồi tháng 5 vừa qua. Mỹ đã áp 25% thuế nhập khẩu đối với lượng hàng hóa của Trung Quốc tồng trị giá 250 tỉ USD. Đáp lại, Trung Quốc tăng thuế lên 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ tổng trị giá 60 tỷ USD bắt đầu từ tháng 6.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Đại diện thương mại Lighthizer chuẩn bị kế hoạch áp thuế nhập khẩu thêm một lượng hàng hóa khác của Trung Quốc tổng trị giá 300 tỷ USD nếu cuộc gặp giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng này, không đạt được tiến bộ trong vấn đề tranh chấp thương mại.
Về Hiệp định USMCA, phiên bản mới của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), ông Lighthizer khẳng định hiệp định này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Mỹ.
USMCA đã có những thay đổi kỹ thuật căn bản về các quy định liên quan sản xuất ô tô và xe tải, vấn đề mở cửa thị trường ngành công nghiệp sữa Canada, phạm vi tác quyền và quy tắc giải quyết tranh chấp... Hiệp định cũng yêu cầu Mexico phải cải cách sâu rộng luật lao động nước này. Hiện Hiệp định này cần được quốc hội 3 nước thông qua vì NAFTA vẫn sẽ có hiệu lực cho đến khi phiên bản thay thế được phê chuẩn đầy đủ. Tại Mỹ, USMCA cần nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ đảng Dân chủ vốn nắm quyền kiểm soát Hạ viện.
Về thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, ông Lighthizer cho biết các nhà đàm phán Mỹ đang “đạt được nhiều tiến triển” trong đàm phán thỏa thuận song phương này. Ông kêu gọi ưu tiên thỏa thuận với Nhật Bản về giảm thuế nông nghiệp đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ đạt thỏa thuận này "trong vài tháng nữa".
Giới chức Nhật Bản đã tỏ ý sẵn sàng giảm thuế đối với hàng nông sản Mỹ ở một mức độ được thỏa thuận theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nếu Mỹ nhất trí dỡ bỏ thuế đánh vào hàng công nghiệp của Nhật Bản, trong đó có ô tô. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump thể hiện không muốn dỡ bỏ thuế ô tô, dù bản thân ông Trump dường như quyết tâm tạo thuận lợi cho nông dân Mỹ bằng việc tăng khả năng tiếp cận thị trường Nhật Bản, coi đây là một phần nỗ lực tranh cử tái nhiệm vào năm 2020.
Dự kiến, ông Lighthizer và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20. Giới phân tích nhận định cuộc gặp giữa hai quan chức này là để chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.