Việc hạn chế này được giải thích là nhằm điều chỉnh lại số lượng sinh viên cho phù hợp với khả năng cung cấp dịch vụ của Canada, giúp nước này hỗ trợ tốt hơn cho sinh viên quốc tế, đặc biệt là về chỗ ở, dịch vụ y tế và giáo dục. Những chính sách mới này được coi là nhằm hướng tới việc chỉ tiếp nhận những sinh viên thực sự muốn tới Canada để học tập, đồng thời cũng là để đảm bảo chất lượng giáo dục ở quốc gia Bắc Mỹ này.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Ottawa, bà Trang Phan, người sáng lập PHAN Education từng lọt vào Top 10 cơ sở giáo dục có tầm ảnh hưởng nhất năm 2023 do Tạp chí The Education View của Mỹ bình chọn, cho biết có 5 biện pháp mới để kiểm soát số lượng sinh viên quốc tế, hiện đang gia tăng quá mức và có tác động tiêu cực tới tâm lý của người Canada trong các vấn đề nhà ở cũng như việc làm. Theo bà, các sinh viên Việt Nam đang chuẩn bị tới Canada hay mong muốn tới Canada học tập cần hiểu rõ để có kế hoạch chuẩn bị.
Thứ nhất là việc giảm số lượng giấy phép du học cho năm 2025 và 2026, trong đó Canada sẽ cắt giảm thêm 10% so với năm 2024 vốn đã bị thu hẹp. Canada đặt mục tiêu cấp 485.000 giấy phép du học trong năm nay và như vậy trong hai năm tới, số lượng giấy phép du học sẽ chỉ còn 437.000 cho mỗi năm. Điều này có nghĩa việc cạnh tranh để được cấp visa du học Canada sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn đối với sinh viên quốc tế đặc biệt là những bạn chưa có hồ sơ học tập tốt và khả năng tài chính mạnh mẽ.
Biện pháp thứ hai là việc cấp giấy phép làm việc sau tốt nghiệp cho sinh viên, theo đó từ mùa Thu 2024 này, sinh viên tốt nghiệp các trường công vẫn đủ điều kiện nhận giấy phép lao động tối đa 3 năm nếu học trong các ngành nghề Canada đang thiếu hụt lao động như kỹ thuật, công nghệ, giáo dục và y tế. Sinh viên tốt nghiệp trường tư sẽ không còn đủ điều kiện nhận giấy phép này.
Biện pháp thứ ba là việc giới hạn quyền làm việc cho vợ hoặc chồng của sinh viên theo học chương trình cao học. Chỉ những sinh viên cao học nào có chương trình học kéo dài ít nhất 16 tháng mới có quyền đưa vợ hoặc chồng đi cùng để làm việc. Điều này tạo thêm thách thức cho các gia đình sinh viên muốn đi du học cùng nhau và cũng làm giảm tính hấp dẫn của Canada.
Biện pháp thứ tư là giới hạn giấy phép làm việc cho lao động tạm thời để làm giảm số lượng người tạm trú từ 6,5% hiện nay xuống còn 5% trong thời gian tới. Với sự thay đổi này, Canada hy vọng có thể tập trung tài nguyên cho những ngành nghề có nhu cầu lao động cao và sẽ tạo cơ hội cho sinh viên quốc tế theo học các ngành thiếu hụt nhân lực như kỹ thuật, công nghệ và y tế.
Biện pháp thứ năm là yêu cầu mới về ngôn ngữ, trong đó sinh viên sau khi tốt nghiệp phải kiểm tra trình độ tiếng Anh nếu đạt CLB 7 (tương đương IElTS 6.0) cho chương trình đại học và CLB 5 (IELTS 5.0) cho chương trình cao đẳng mới đủ điều kiện nhận giấy phép lao động sau tốt nghiệp.
Những biện pháp kể trên là nhằm sàng lọc các ứng viên hay du học sinh để giữ lại những người có trình độ tốt về chuyên môn, về kỹ năng nghề nghiệp cũng như ngoại ngữ để vào Canada học tập, sau đó ở lại làm việc và lâu dài hơn là có thể đóng góp cho nền kinh tế của nước này.