Một năm trước, Canada đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với một trong năm mục tiêu chiến lược là mở rộng thương mại, đầu tư và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng. Việc khai trương IPAAO ở Manila, do đích thân Bộ trưởng Nông nghiệp Lawrence MacAulay thực hiện, cho thấy Canada mong muốn văn phòng này sẽ góp phần củng cố các cơ hội thương mai và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp và nông sản tại khu vực này.
Mô hình của IPAAO tại thủ đô của Philippines sẽ cho phép Canada áp dụng cách tiếp cận toàn khu vực trong hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhóm lưu động của văn phòng này sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đồng thời tận dụng các cơ hội xuất khẩu và giải quyết các thách thức chung như an ninh lương thực.
Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được coi là có tiềm năng kinh tế to lớn, chiếm hơn 1/3 hoạt động kinh tế của thế giới. Năm 2023, xuất khẩu nông sản và nông nghiệp của Canada vào khu vực này đạt tổng trị giá 22,8 tỷ USD.
Nhiều chuyên gia đã đánh giá rằng khu vực là chìa khóa cho hoạt động thương mại của Canada trong năm 2024 và đây có thể là lý do nước này liên tục đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư sang đây kể từ cuối năm ngoái.
Riêng khu vực ASEAN, Canada đã trở thành bạn hàng thương mại lớn thứ tư kể từ năm 2021, với giá trị song phương gần 32 tỷ USD. Thông quan Cơ quan phát triển xuất khẩu (EDC), một tổ chức xúc tiến thương mại của Chính phủ, Canada đã mở phái bộ thương mại thường trực tại Jakarta, Indonesia kể từ tháng 9/2023 và đang dự kiến mở IPIO tại thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam vào mùa Thu này.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Canada, Giám đốc IPIO kiêm Trưởng đại điện Việt Nam của EDC Nathan Andrew Nelson cho biết mục tiêu của chúng tôi là tăng cường thương mại giữa Canada và Việt Nam. Cá nhân tôi cho rằng chúng ta có thể tăng gấp đôi giá trị thương mại trong vài năm tới. Chúng tôi hiện có khoản đầu tư khoảng 2 tỷ USD và tôi nghĩ rằng nó sẽ cơ hội thương mại cho các công ty Canada đầu tư trên tất cả các lĩnh vực tại Việt Nam.
Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Canada trong năm 2023 đạt khoảng 10 tỷ USD. Việt Nam hiện vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN và giá trị thương mại của hai nước liên tục tăng hơn 50% kể từ năm 2015. Việt Nam cũng là một đối tác quan trọng của Canada trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khi mang lại nhiều cơ hội cho các sản phẩm và dịch vụ của nước này tiếp cận thị trường nội địa cũng như của ASEAN.
Ông Nelson nhận xét Việt Nam là một trong số những quốc gia được ưu tiên trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada. Tôi nghĩ Việt Nam thật tuyệt vời và sẽ là một trong những ngôi sao sáng trong vòng từ 5 đến 10 năm tới. Chúng tôi vô cùng vui mừng về những cơ hội mà các công ty Canada sẽ có được ở Việt Nam và cũng mong được đón các công ty Việt Nam thực sự mong muốn đầu tư vào Canada để hai bên có những cơ hội hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau.
Tháng tới, một phái đoàn thương mại Canada do Bộ trưởng Thương mại quốc tế Mary Ng dẫn đầu, với 150 doanh nghiệp hàng đầu dự kiến sẽ tới Việt Nam. Chuyến đi được coi là để thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Canada và cũng là để mở rộng sự hiện diện của Canada tại khu vực ASEAN.
Bộ trưởng Mary Ng cho biết chuyến đi Nhật Bản thành công trong năm ngoái của phái đoàn thương mại Canada đã mở rộng cánh cửa đến với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chuyến đi lần này sẽ là động lực giúp doanh nghiệp Canada triển khai hoạt động kinh doanh tại các thị trường năng động như Việt Nam.
Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh nhận định với phóng viên rằng đây là lần đầu tiên Canada tổ chức một phái đoàn thương mại lớn như vậy vào Việt Nam. Ngoài những hoạt động tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, họ còn có các cuộc đối thoại bàn tròn với các quan chức điều hành doanh nghiệp của phía Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng phái đoàn sẽ nhìn thấy Việt Nam như là một đối tác kinh doanh, một địa điểm đầu tư, cũng như là một cánh cửa để Canada vào Việt Nam và thông qua Việt Nam vào ASEAN.