Canada đặt mua gần 8 triệu bộ xét nghiệm nhanh COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Bộ trưởng phụ trách mua sắm và dịch vụ công Canada - bà Anita Anand và Bộ trưởng Y tế Patty Hajdu ngày 29/9 đã công bố thỏa thuận của Chính phủ Canada mua gần 8 triệu bộ xét nghiệm nhanh bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Abbott Rapid Diagnostics ULC, trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đang tăng mạnh.

Chú thích ảnh
Người dân đăng ký xét nghiệm COVID-19 tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Toronto, Canada, ngày 25/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Thỏa thuận được ký kết cho dù Bộ Y tế Canada vẫn chưa cấp phép lưu hành đối với công nghệ xét nghiệm này (cho kết quả trong vòng chưa đầy 15 phút).

Người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng Canada, bà Theresa Tam cho biết nước này hiện xét nghiệm COVID-19 cho khoảng trung bình 71.000 người mỗi ngày, mức cao nhất kể từ khi đại dịch khởi phát. Nhưng nhu cầu xét nghiệm COVID-19 đang vượt quá công suất xét nghiệm của Canada. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Canada hiện đã lên tới 156.961, trong đó có 9.291 trường hợp tử vong.

Thủ hiến Ontario - ông Doug Ford đã chỉ trích việc các cơ quan chức năng Canada chậm cấp phép cho các công nghệ xét nghiệm nhanh vốn đã được triển khai tại nhiều nơi, trong đó có Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tuần này đã công bố kế hoạch phân phối 150 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng thông báo triển khai chương trình cung cấp 120 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Ông David Naylor - cựu Chủ tịch Đại học Toronto, nhận định Bộ Y tế đã chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành bộ xét nghiệm nhanh COVID-19. Canada cần những bộ dụng cụ xét nghiệm này khi các trường học mở cửa trở lại, đặc biệt ở thời điểm hiện nay, khi thời tiết chuyển lạnh và mùa cúm đã đến. Theo ông Naylor, các cơ quan chức năng và các bác sĩ Canada thường thận trọng hơn các đồng nghiệp ở Mỹ đối với các công nghệ y tế mới. Tuy nhiên, ở thời điểm bất thường như hiện nay, quan điểm này hại nhiều hơn lợi.

Trong khi đó, cả Bộ trưởng Y tế Hajdu và Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland mới đây đều nhấn mạnh sẽ không thích hợp nếu các chính trị gia gây sức ép với Bộ Y tế để cấp phép cho bất kỳ một dụng cụ xét nghiệm nào không đáp ứng các tiêu chuẩn của cơ quan quản lý.

* Tại châu Âu, Chính phủ Phần Lan tối 29/9 đã quyết định rút ngắn giờ mở cửa của các nhà hàng và quán bar để đối phó với tình hình các ca mắc COVID-19 đang ngày càng gia tăng. 

Phát biểu tại cuộc họp báo của chính phủ, Bộ trưởng Gia đình và Dịch vụ xã hội Phần Lan Krista Kiuru cho biết theo quy định mới, từ ngày 8/10, tất cả các nhà hàng và quán bar trên khắp Phần Lan phải đóng cửa lúc 1 giờ sáng và ngừng bán rượu sau 12 giờ đêm. 

Tại những khu vực mà tình trạng lây nhiễm COVID-19 đã đạt đến "giai đoạn tăng tốc", các nhà hàng và quán bar sẽ phải đóng cửa sớm hơn - vào lúc 11 giờ tối và kết thúc bán rượu lúc 10 giờ tối. Ngoài ra, các nhà hàng cũng chỉ được phép phục vụ 50% số khách so với mức thông thường. 

Theo Bộ trưởng Kiuru, tình hình dịch bệnh trong nước hiện diễn biến nghiêm trọng. Tỷ lệ lây nhiễm trên toàn quốc hiện đã vượt quá mức 20 trường hợp trên 100.000 dân và thậm chí còn cao hơn ở một số vùng. Bà cũng nhấn mạnh rằng chỉ có 1/5 trường hợp người mắc bệnh có thể truy vết tiếp xúc. 

Với 149 ca mắc bệnh mới trong ngày 29/9, hiện Phần Lan đã ghi nhận 9.892 trường hợp mắc COVID-19. Kể từ ngày 28/9, nước này đã hạn chế lượng khách đến từ nước ngoài, ngoại trừ các nước Latvia, Litva, Liechtenstein và Ba Lan. Danh sách "những quốc gia không an toàn" đối với Phần Lan đã bổ sung thêm Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Đức, Slovakia và Estonia, theo đó chỉ cho phép các công dân từ những nước này tới Phần Lan vì các mục đích thiết yếu, ví dụ như đi công tác.

Hương Giang - Thanh Phương (TTXVN)
Canada: Dịch COVID-19 tái bùng phát, Quebec bước vào làn sóng lây nhiễm thứ hai
Canada: Dịch COVID-19 tái bùng phát, Quebec bước vào làn sóng lây nhiễm thứ hai

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, dịch COVID-19 những ngày gần đây đã bùng phát mạnh trở lại ở hai tỉnh bang đông dân nhất Canada là Ontario và Quebec, buộc Giám đốc Y tế công cộng của Quebec, Horacio Arruda, phải tuyên bố Quebec đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN