Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã công bố thông tin này trong ngày 21/3 tại Lễ khánh thành Tòa nhà Y tế Hữu nghị Campuchia - Trung Quốc thuộc Bệnh viện Hữu nghị Campuchia - Trung Quốc Kossamak ở thủ đô Phnom Penh. Ông Hun Sen cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 19/3 đã cam kết cung cấp thêm vaccine ngừa COVID-19 cho Campuchia và lãnh đạo hai nước đã bàn bạc về việc xây dựng nhà máy sản xuất vaccine Trung Quốc tại Campuchia. Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh nước này sẵn sàng tiếp nhận mọi sự hỗ trợ về vaccine để chống dịch COVID-19. Mặc dù tỷ lệ bao phủ vaccine đã đạt mức cao, song Campuchia vẫn cần thêm vaccine để tiêm mũi tăng cường cho người dân, tiến tới miễn dịch cộng đồng.
Hiện Campuchia đã tiếp nhận trên 44,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 thông qua các hợp đồng mua bán, cơ chế phân bổ vaccine COVAX và thỏa thuận khung song phương. Theo Bộ Y tế nước này, những loại vaccine mà Campuchia đã nhận được bao gồm 29.424.800 liều vaccine của công ty được phẩm Sinovac, 7.800.000 liều của công ty Sinopharm, 3.784.500 liều của hãng AstraZeneca, 2.350.530 liều của hãng Pfizer, 1.064.600 liều của hãng Johnson & Johnson và 188.160 liều của hãng Moderna. Trong khi đó, Campuchia đã trao tặng vaccine ngừa COVID-19 và trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh này cho một số nước trong khu vực, trong đó có Lào và Việt Nam.
Về tình hình đại dịch COVID-19 trong nước, Bộ Y tế Campuchia cùng ngày thông báo số ca mắc mới trong ngày tại nước này đã giảm và hiện chỉ có 73 ca (tính theo kết quả PCR), trong đó có 65 ca lây nhiễm cộng đồng. Tất cả đều nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, theo người phát ngôn Hok Kim Cheng của Bộ trên, việc số ca mắc trên giảm không có nghĩa là dịch COVID-19 tại Campuchia đã qua đỉnh vì hầu hết các ca mắc bệnh chưa được thông báo với cơ quan này.
Trong khi đó tại Indonesia, theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chính phủ Indonesia đã gia hạn chương trình cấp thị thực khi đến (VoA) cho du khách nước ngoài từ 42 quốc gia đến sân bay quốc tế I Gusti Rai thuộc tỉnh Bali.
Cụ thể, ngày 22/3, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno cho biết chương trình VoA và không cần xét nghiệm COVID-19 dành cho khách du lịch nước ngoài đã được mở rộng từ 23 quốc gia trước đó lên 42 nước theo yêu cầu của Tổng thống nước này Joko Widodo. Ngoài sân bay I Gusti Rai, Indonesia cũng đã triển khai chương trình này tại các sân bay khác tại thủ đô Jakarta và thành phố Surabaya. Các nước và vùng lãnh thổ nằm trong chương trình trên gồm Nam Phi, Saudi Arabia, Argentina, Bỉ, Brazil, Đan Mạch, Phần Lan, Hungary, Ấn Độ, Mexico, Myanmar, Na Uy, Ba Lan, Seychelles, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Đài Bắc (Trung Hoa) và Tunisia.
Trước đó, Indonesia đã cấp VoA cho 23 quốc gia gồm Australia, Mỹ, Hà Lan, Brunei, Philippines, Anh, Italy, Nhật Bản, Đức, Campuchia, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Pháp, Qatar, New Zealand, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Việt Nam.
Theo Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia, nước này đã đặt mục tiêu đạt lượng khách du lịch quốc tế trong năm 2022 khoảng từ 1,8 triệu đến 3,6 triệu lượt.