Cải thiện môi trường sẽ đánh bóng hình ảnh Trung Quốc?

Năng lượng tái tạo có thể cải thiện chất lượng không khí và giúp Trung Quốc và thay đổi hình ảnh trên trường quốc tế.

Hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế trong 6 tháng qua bị bao phủ bởi các vấn đề liên quan tới kinh tế tăng trưởng chậm, bất đồng trên biển với Mỹ, tình trạng tham nhũng và những "lời qua tiếng lại" với Nhật Bản. Có rất ít những báo cáo mang tính tích cực về hình ảnh của Bắc Kinh.

"Sức mạnh mềm" của Trung Quốc không đủ để ngăn cản những chỉ trích từ truyền thông phương Tây, phần lớn vì thông điệp Trung Quốc truyền đi chưa được hiện thực hóa. Về đối nội, những thách thức về kinh tế và tham nhũng đang khuấy động đời sống xã hội, gây ra những bất ổn và biểu tình (có khoảng 180.000 cuộc biểu tình ở Trung Quốc năm 2010). Về mặt đối ngoại, những vụ xung đột hàng hải và tập trận của Quân giải phóng nhân dân Trung hoa (PLA) gây ra những hoài nghi về tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc.

Tình trạng ô nhiễm khói bụi ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và hoạt động của người dân Trung Quốc.


Rõ ràng, việc thay đổi hình ảnh có thể giúp Trung Quốc thu lợi. Tuy nhiên, Trung Quốc cần có một chiến dịch quảng bá tốn kém và hiệu quả của hoạt động này không thể cân đong được. Cơ hội mở ra cho Trung Quốc hiện nay chính là vấn đề cải thiện chất lượng môi trường. Đây là vấn đề đang gây ra những bức xúc cho người dân Trung Quốc và làm xấu đi hình ảnh Trung Quốc trong mắt dư luận quốc tế.

Theo một cuộc khảo sát tiến hành bởi Trung tâm Nghiên cứ Pew, năm 2013, 47% số người Trung Quốc được hỏi đánh giá ô nhiễm không khí là một vấn đề “rất lo ngại” (so với 31% năm 2008 và 36% năm 2012). Ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề lớn thứ 4 trong danh sách những điều người dân Trung Quốc quan ngại nhất, gồm giá cả tăng, tham nhũng và khoảng cách giàu nghèo. Trung Quốc sẽ phải hứng chịu nhiều hơn những thảm họa môi trường giống như từng xảy ra ở Cáp Nhĩ Tân vào tháng 10/2013, khi chỉ số PM2.5 (các hạt trôi nổi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet) lên tới 1.000 (chỉ số WTO khuyến cáo không lớn hơn 20), do vậy vai trò của môi trường trong sạch ngày càng tăng lên. Năm 2013, Tạp chí Proceedings của Học viện Khoa học Quốc gia Mỹ phân tích mức ảnh hưởng của khói than với tuổi thọ con người tại các thành phố phía Bắc sông Hoàng Hà, chỉ ra rằng tỷ lệ các hạt bụi trôi nổi ở khu vực này nhiều hơn 55% ở khu vực phía Nam Trung Quốc và tuổi thọ trung bình người dân ở đây thấp hơn 5,5 năm.

Cơ hội cho Trung Quốc

Thứ nhất, chính phủ Trung Quốc có cơ hội giải quyết những quan ngại của công chúng, giành được sự ủng hộ từ nội địa và cho quốc tế thấy Trung Quốc là một nước có trách nhiệm. Đồng thời, Bắc Kinh cũng có thể thể hiện vai trò lớn hơn trong chung tay giải quyết các vấn đề của nhân loại. Việc tái định hướng chính sách ngoại giao nhân dân tập trung vào vấn đề môi trường có thể khiến nỗ lực của Bắc Kinh ở Bắc Cực có lý hơn.

Thứ hai, thúc đẩy cải thiện môi trường không đòi hỏi Trung Quốc phải đưa ra bất kỳ những quy định mới nào. Năm 2006, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thông qua chương trình Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia trung và dài hạn (2006-2020), tập trung chính vào ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Vào tháng 3/2011, chính phủ thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015), tập trung vào 7 vấn đề quan trọng mang tầm chiến lược: Tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, công nghệ thông tin thế hệ mới, công nghệ sinh học, sản xuất trang thiết bị tiên tiến, năng lượng mới (mặt trời, gió và sinh học), vật liệu và động cơ phương tiện giao thông mới. Kế hoạch đặt ra mục tiêu sử dụng năng lượng phi hóa thạch chiếm 11,4% nhu cầu vào năm 2015 và 15% vào năm 2020. Để đạt được điều này, Bắc Kinh sẽ phải tốn 1.700 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2015 phục vụ cho đầu tư, hỗ trợ các công ty nhà nước và các khoản vay ngân hàng.

Thứ ba, Trung Quốc đã áp dụng thành công công nghệ mới vào ba ngành công nghiệp đó là năng lượng gió, mặt trời và sinh  học. Theo như phân tích của hãng BP, Trung Quốc thu được nguồn năng lượng tương đương 31,1 triệu tấn dầu (bằng 26,1 triệu tấn gas hóa lỏng hoặc 140 TWh điện) từ 3 ngành công nghiệp trên trong năm 2012, chỉ đứng sau Mỹ (lượng sử dụng quy đổi là 50 triệu tấn dầu). Con số này lớn hơn tổng lượng khí hóa lỏng (14,7 triệu tấn năm 2012) Trung Quốc nhập khẩu nhằm thay thế cho than.

Thị trường Trung Quốc cho điện gió bắt đầu hình thành năm 2003 với việc triển khai một dự án bởi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC). Với khoản tiền trợ giá khổng lồ, Trung Quốc đã sản xuất 75,32 GW từ nhà máy điện gió năm 2012, chiếm 27% thị trường gió toàn cầu. Hiện tại, Trung Quốc có 14 tỉnh có thể sản xuất hơn được 1GW điện gió mỗi năm, bao gồm cả các tỉnh vùng xa như Nội Mông, Hà Bắc và Cam Túc.

Tham vọng của chính phủ về kế hoạch đạt 200 GW điện gió cho tới năm 2020 có thể đạt được, nhưng Trung Quốc cần vượt qua thách thức lớn nhất, đó là hệ thống đường dẫn hoạt động không hiệu quả trong việc dẫn truyền điện từ các nhà máy lớn ở phía Bắc tới khu vực khách hàng tập trung ở phía Đông và Nam đất nước. Trung Quốc đang tập trung phát triển những cánh đồng điện gió ven biển, với mục tiêu sản sinh 5 GW cho tới năm 2015 và 30 GW cho tới năm 2030, sản lượng hiện tại đang là 389,6 MW.

Nỗ lực này cũng giúp Trung Quốc thu lợi từ việc tạo công ăn việc làm. Theo như Bản đồ Phát triển Năng lượng gió 2050 đưa ra bởi Cơ quan Năng lượng Quốc tế và Viện Nghiện cứu Năng lượng Trung Quốc, nước này sẽ tạo thêm 260.000 việc làm tới năm 2020 trong 5 lĩnh vực của điện gió (từ sản xuất turbine tới bảo trì), trong điều kiện việc đầu tư và phát triển ngành này tiếp tục diễn ra. Cho tới năm 2050, con số này có thể lên tới 720.000 việc làm.

Công nhân Trung Quốc đang lắp đặt các turbine ở một cánh đồng điện gió ở Tân Cương.


Sự tăng trưởng nhanh chóng ngành năng lượng mặt trời trong 3 năm qua ở Trung Quốc phản ánh việc giảm chi phí trong sản xuất và có sự trợ giá khổng lồ của nhà nước. Năm 2010, tổng sản lượng các nhà máy năng lượng mặt trời Trung Quốc nhỏ hơn 1 GW. Những cải thiện đột phá bắt đầu năm 2011 khi Bắc Kinh tăng tổng sản lượng năng lượng mặt trời lên 3,3 GW.

Theo như một thống kê của Hiệp hội Công nghiệp Điện mặt trời châu Âu (EPIA), năm 2012 Trung Quốc có sản lượng điện mặt trời là 8,3 GW, năm 2013 là 20,3 GW. EPIA dự báo Trung Quốc sẽ sản xuất 47 GW điện mặt trời vào năm 2017, thậm chí trong trường hợp tốt Trung Quốc có thể sản xuất tới 66 GW.

Một đặc điểm khác biệt trong chương trình phát triển điện mặt trời Trung Quốc là pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên các nóc nhà (với sản lượng lên tới 8 GW năm 2014), điều này làm giảm chi phí cho việc phát triển mạng lưới điện hiện đại ở những vùng xa như Cam Túc, Thanh Hải, Tân Cương.

Các tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trực tiếp trên nóc nhà giúp giảm chi phí xây dựng hệ thống mạng lưới điện truyền tải điện năng.


Thành phần thứ 3 trong sản xuất năng lượng xanh của Trung Quốc là nhiên liệu sinh học, dựa trên rác thải gia súc, phế phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp, chất thải đô thị. Bắc Kinh hướng tới mục tiêu sản xuất 15 GW điện vào năm 2015 bằng tận dụng rác thải, cho phù hợp với quy mô nền kinh tế và các trang trại khổng lồ. Khối lượng điện này tương đương đốt 32 triệu tấn than.

Thời gian 2 năm tới sẽ là then chốt cho phát triển năng lượng sinh học, với việc Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng và khởi công 300 nhà máy tận dụng hơn 72 tấn rác thải nông nghiệp, 630 tấn chất thải gia súc và 138 tấn rác thải đô thị. Với sự quyết tâm, Bắc Kinh có thể sản xuất 30 GW năng lượng sinh học tới năm 2020, tạo cho nông dân có thu nhập thêm và tăng việc làm.

Những đầu tư khổng lồ vào nguồn năng lượng tái tạo, kết hợp với tiêu chuẩn mới về khí thải phương tiện giao thông và sử dụng khí hóa lỏng thay cho than sẽ là bước đi đột phá của Trung Quốc để cải thiện môi trường. Điều này giúp Trung Quốc không chỉ thu về lợi ích kinh tế mà còn giành được sự ủng hộ từ nội địa và nhanh chóng cải thiện hình ảnh quốc tế.


Song Anh(Theo Diplomat)

Nhu cầu năng lượng giảm trong hai thập kỷ tới
Nhu cầu năng lượng giảm trong hai thập kỷ tới

Cho đến năm 2035, nhu cầu toàn thế giới về năng lượng sẽ tăng chậm lại, từ mức 55% năm 2012 xuống còn 41%. Khu vực tăng nhu cầu tiêu thụ là các nền kinh tế đang phát triển mạnh, như Trung Quốc và Ấn Độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN