Một trong những nạn nhân nổi tiếng nhất của nạn tấn công axít tại Pakixtan đã tự tử tại Roma (Italia), nơi cô đang trải qua các ca phẫu thuật thẩm mỹ để khôi phục lại khuôn mặt và cơ thể đã bị hủy hoại khủng khiếp.
Fakhra Yunus, trước vụ tấn công (ảnh trái) và sau (phải), cùng với nhà hoạt động xã hội Tehmina Durrani. Ảnh Internet. |
Fakhra Yunus, 34 tuổi, đã nhảy từ tầng 6 của khu căn hộ xuống đất hôm 17/3 để tìm đến cái chết chỉ vài tuần sau khi bộ phim Saving Face, nói về các nạn nhân của nạn tấn công axít tại Pakixtan, giành giải Oscar cho phim tài liệu xuất sắc nhất.
Fakhra đã bị chính chồng mình, thành viên của một trong những gia đình chính trị quyền lực nhất ở Pakixtan, đổ axít lên mặt và cơ thể ngay trước mắt cậu con trai mới 5 tuổi của cô. Khi đó, cô đang là một phụ nữ xinh đẹp 22 tuổi.
Sau vụ tấn công dã man, Fakhara đã trải qua 38 ca phẫu thuật trong suốt 12 năm để khôi phục lại khuôn mặt biến dạng và hồi phục những vết thương nghiêm trọng trên hai cánh tay và cơ thể.
Nhưng theo các bạn bè của cô, các ca phẫu thuật vẫn không thể khôi phục được vẻ đẹp cho Fakhra và cô thường xuyên bật khóc mỗi khi nhìn thấy hình ảnh của mình trong gương. Một người thân thiết của Fakhra – nhà văn hàng đầu của Pakixtan và cũng là mẹ kế cũ của chồng cô, bà Tehmina Durrani, cho rằng, vụ tấn công đã hủy hoại cô quá khủng khiếp, đến mức Fakhra đã phải hứng chịu những ánh mắt ghê tởm và khinh rẻ của bất cứ ai nhìn thấy cô tại Pakixtan. “Nhiều vùng cơ thể của cô ấy đã bị tan chảy đến tận xương”, bà Tehmina cho biết.
Haji Allah Din, một người hàng xóm của Fakhra ở Roma kể lại, anh đã gặp Fakhra chỉ một tiếng trước khi cô quyên sinh. Lúc đó, Fakhra đang nhìn gương mặt đầy sẹo của mình trong gương và cay đắng khóc.
Người phụ nữ đáng thương cũng được cho là đã rất vui vào ngày cô biết tin quốc hội Pakixtan thông qua đạo luật cho phép sử dụng án chung thân với những kẻ chịu trách nhiệm trong các vụ tấn công axít. Cô cũng vô cùng cảm động khi bộ phim Saving Face của đạo diễn Sharmeen Obaid xoay quanh những nạn nhân như cô giành được giải Oscar.
Bilal Khar, chồng của Fakhra là con trai cựu thống đốc bang Punjab và là em họ của ngoại trưởng Pakixtan, Hina Rabbani Khar. Sau vụ tấn công, ban đầu Khar đã lẩn trốn trong khi cảnh sát theo đuổi những nỗ lực khó khăn để đưa hắn ra trước công lý. Năm 2002, Bilal Khar bị bắt giữ nhưng hắn nhanh chóng được trả tự do chỉ với hơn 3.000 USD bảo lãnh.
Sau cái chết của Fakhra, dư luận Pakixtan lại bùng lên một làn sóng mới đòi kết tội và bỏ tù Bilal Khar, tuy nhiên gã chồng tàn bạo vẫn bác bỏ vai trò trong vụ tấn công vợ.
Trong một bài báo đăng trên tờ News International, bà Tehmina cho biết, bà đã gặp rất nhiều nạn nhân của nạn “khủng bố axít” tại Pakixtan, nhưng không người nào bị hủy hoại ghê gớm như Fakhra, và cũng không người nào can đảm như cô.
Hôm 25/3, thi thể Fakhra đã được đưa về an táng tại một nghĩa trang ở Karachi, Pakixtan, trong khi kẻ tấn công cô vẫn chưa bị đền tội. Ảnh Internet. |
Năm 2000, với sự giúp đỡ của bà Tehmina, Fakhra được đưa tới Italia điều trị. Chính phủ Italia đã cung cấp miễn phí nơi ở và lo học hành cho cậu con trai Nauman của cô cũng như chi trả cho toàn bộ chi phí điều trị, với sự tham gia của một trong những bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất nước này.
Theo bà Tehmina, bất chấp hình ảnh bị biến dạng ghê gớm của Fakhra, những người dân tốt bụng ở Italia chưa bao giờ khiến cô có giảm giác mình khác biệt với họ. “Tại Roma, Fakhra có thể thoải mái đi bộ trên phố, dạo chơi trong công viên, vào các cửa hàng hoặc nhà hàng ở những nơi danh giá nhất mà không phải e ngại. Tất cả những người phục vụ đều tiếp đón cô trân trọng hơn bất cứ ai khác”.
Giáo sư Charvelli, bác sĩ phẫu thuật đã nhiều năm tìm cách phục hồi gương mặt cho Fakhra, cho biết ông không thể chữa lành được vết sẹo lớn nhất nơi cô: “Tôi đã cố gắng xóa mờ những vết sẹo trên cơ thể cô ấy, nhưng không thể hàn gắn được sự tan vỡ trong tâm hồn cô”, ông nói.
Thu Hằng (Theo Telegraph và Press Trust of India)