Hiện nay, khi dịch bệnh vẫn đang tiếp tục lây lan và nguy cơ của làn sóng dịch bệnh mới khi vaccine phòng bệnh vẫn chưa ra đời, các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ, vẫn đang vật lộn để tồn tại trước một tương lai kinh tế khó đoán định.
Tại Mỹ, sau 3 tháng đóng cửa do biện pháp hạn chế để phòng chống dịch COVID-19, Shopno Fashion, cửa hiệu bán trang phục truyền thống của người Nam Á, do anh Chander Shekhar làm chủ, cuối cùng đã được mở cửa trở lại khi chính quyền thành phố New York nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Cái khó khăn mà Shekhar đang phải đối mặt là khoản tiền thuê mặt bằng hằng tháng 6.000 USD, trong khi tình hình kinh doanh ảm đạm. Dù vậy, anh Shekhar vẫn quyết tâm duy trì cửa hàng nhỏ của mình vì đây là thành quả sau 20 năm lao động cật lực. Anh biết mình không đơn độc trong cuộc chiến này dù chưa biết tương lai sẽ như thế nào.
Đó cũng là điều mà Jane Howe, chủ một cửa hàng sách ở thủ đô London của Anh, đang trải qua. Trong 15 năm bán sách, Jane Howe chưa từng nghĩ có ngày mình cần bán sách trên mạng. Tuy nhiên, dịch COVID-19 buộc cô phải thay đổi chiến lược kinh doanh để duy trì hoạt động.
Sau khi tìm cách giảm chi phí đầu vào với việc cho nghỉ việc 3 nhân viên làm việc bán thời gian, thương lượng giảm tiền thuê mặt bằng và vay chính phủ 50.000 bảng Anh, đến giữa tháng 6, Howe đã bắt đầu bán sách trực tuyến. Trong tuần đầu tiên, trang bán sách cũng cô đạt 28% doanh số trước thời kỳ dịch bệnh. Trong tháng 7, cô bắt đầu bán sách ngay lối vào cửa hàng. Cô cho biết sẽ phải cố gắng hết sức trong những tháng tới và không ngừng hy vọng.
Thay đổi chiến lược kinh doanh để tồn tại cũng là cách mà quán rượu Nola Art Bar thực hiện để trụ vững trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Sau 6 tuần liên tục đóng cửa theo quy định của chính quyền thành phố New Orleans (Mỹ), chủ quán rượu là DJ Johnson bắt đầu mở quán phục vụ khách mua mang đi.
Dù trước đây chưa từng kinh doanh đồ ăn, anh Johnson đã chuyển sang làm bánh kẹp New Orleans. Ngày đầu tiên, anh đã kiếm được 35 USD. Không dừng lại ở đó, Johnson bắt đầu phục vụ bữa tối bên trong quán bar hạn chế số lượng khách hàng 50% sức chứa để đảm bảo giãn cách xã hội. Ngoài ra, anh còn bắt đầu xây dựng một cửa hàng sách và quán cà phê ở ngay cạnh. Anh vẫn kiên quyết theo đuổi sự nghiệp kinh doanh bằng bất kỳ giá nào.
Với quan điểm sống luôn phải tận dụng mọi cơ hội, không chỉ ngồi im và chờ đợi, anh Walid Ataya đã thành công duy trì cửa hàng bánh mì và cửa hàng hoa của mình trong thời kỳ dịch bệnh. Trong khi nhiều doanh nghiệp, chủ cửa hàng khác tại Liban tạm ngừng hoạt động và hoàn toàn đóng cửa khi chính phủ nước này ban bố lệnh phong tỏa. Để "sống sót", anh Ataya cũng buộc phải điều chỉnh số lượng nhân viên, thượng lượng giảm giá thuê mặt bằng cửa hàng, chuyển sang hình thức bán và giao hàng tận nhà. Với sự miệt mài, chăm chỉ, các nhà hàng và cửa tiệm bán pizza và mì của anh vẫn tồn tại đến khi được mở cửa đón khách trở lại khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Tại Nhật Bản, trong khi chính phủ nước này yêu cầu người dân ở yên trong nhà hồi tháng 3, Shinichiro Hirano quyết định giảm giờ làm tại cửa hàng hoa "Sun Flower" để duy trì hoạt động. Mặc dù nằm ở khu vực trung tâm thủ đô Tokyo, do dịch COVID-19, cửa hàng mất đi nhiều đơn hàng đặt hoa cho các sự kiện tuyển dụng, khai trương cửa hàng...
Để duy trì kinh doanh, ông Hirano dán các băng giấy màu dưới sàn nhà giúp khách hàng đảm bảo giãn cách xã hội, không còn e ngại về nguy cơ lây nhiễm virus từ người khác. Do đó, các khách hàng vẫn đến cửa hàng hoa của ông để tìm kiếm sự động viên, nguồn năng lượng mới từ những bông hoa rực rỡ sau những thời gian mệt mỏi, để cùng chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ cùng người thân và quên đi nỗi lo về dịch bệnh. Đến nay, việc kinh doanh của cửa hàng dần khôi phục dù doanh thu giảm 20% so với thời kỳ trước dịch bệnh.