Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn báo cáo của bộ trên cho biết, trong số hơn 11.000 trường hợp vật thể lạ xuất hiện trên đường băng, sân bay Gimpo phát hiện được nhiều nhất (4.865 trường hợp), tiếp theo là sân bay Pohang-Gyeongju (1.591 trường hợp), sân bay Jeju với 824, sân bay Wonju với 735 và sân bay Gimhae với 642 trường hợp.
Các vật thể lạ này gây rủi ro đáng kể tới an toàn bay tại Hàn Quốc. Cụ thể, ngày 5/3/2024, chuyến bay HL7616 của Asiana Cargo từ Frankfurt (Đức) đến sân bay Incheon đã phải hạ cánh sau khi phát hiện hư hỏng do vật lạ ở cánh trong bên trái. Trước đó, ngày 10/3/2022, chuyến bay HL8279 của Asiana Airlines khởi hành từ sân bay Gimpo đến sân bay Jeju và nhân viên kỹ thuật đã phát hiện antenna bị hư hỏng do vật thể lạ. Máy bay của hãng hàng không Jeju Air xuất phát từ Đà Nẵng (Việt Nam) vào ngày 30/12/2024 cũng bị hư hỏng cả lốp trước và sau khi hạ cánh ở sân bay Incheon. Trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2024, số vụ tai nạn liên quan đến vật thể lạ trên đường băng xảy ra tại Hàn Quốc được ghi nhận là 74 vụ, bao gồm 40 vụ của Asiana Airlines, 28 vụ của Korean Air, 4 vụ của Jeju Air và 2 vụ của Jin Air.
Trên thế giới, nhiều vụ tai nạn hàng không thảm khốc có liên quan đến vật thể lạ trên đường băng. Vụ tai nạn của chuyến bay 4590 thuộc Air France tại sân bay Charles de Gaulle ở Paris (Pháp) vào ngày 25/7/2020 cũng do mảnh vỡ trên đường băng gây ra. Vào thời điểm đó, máy bay đã đâm phải một mảnh kim loại dài 40 cm rơi xuống đường băng trong lúc cất cánh, làm thủng lốp và bình nhiên liệu, gây cháy động cơ và rơi xuống gần sân bay, khiến toàn bộ 109 thành viên phi hành đoàn và hành khách thiệt mạng.
Các vật thể lạ trên đường băng thường nhỏ và khó có thể loại bỏ hoàn toàn bằng mắt thường. Đó có thể là những bộ phận bị rơi ra từ máy bay, bộ phận xe cộ/thiết bị vận chuyển trên sân bay, bộ phận đèn, vật liệu đóng gói và giấy vinyl… những thứ có thể làm hỏng máy bay trong quá trình cất cánh và hạ cánh, dẫn đến tai nạn nghiêm trọng. Vì lý do này, các sân bay như Chicago và Boston ở Mỹ, London Heathrow ở Vương quốc Anh, Vancouver ở Canada, Haneda ở Nhật Bản và sân bay Changi ở Singapore đã vận hành hệ thống tự động phát hiện vật thể lạ trên đường băng. Tại Hàn Quốc, chỉ có duy nhất sân bay quốc tế Incheon được áp dụng hệ thống tự động phát hiện vật lạ trên đường băng, bao gồm 8 hệ thống phát hiện cố định và một hệ thống phát hiện di động kết hợp. Số vụ vật thể lạ rơi trên đường băng sân bay Incheon được phát hiện bằng hệ thống này là 119 vụ trong 5 năm qua, thấp thứ ba trong số các sân bay nội địa của Hàn Quốc sau sân bay Cheongju và sân bay Gwangju.
Theo nghị sĩ Park Yong Gap - một thành viên của Ủy ban Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông của Quốc hội Hàn Quốc, thảm họa của Hãng hàng không Jeju Air hôm 28/12/2024 vừa qua đã lời cảnh báo để Hàn Quốc nghiên cứu, xem xét xác định các công nghệ và thiết bị tiên tiến phát hiện vật thể lạ trên đường băng được sử dụng tại các sân bay ở nước ngoài nhằm ngăn ngừa tai nạn hàng không, nhanh chóng đưa vào sử dụng tại các sân bay của Hàn Quốc nhằm hạn chế những thảm họa như vừa qua.