Năm 2009, tại COP15 diễn ra ở Copenhagen (Đan Mạch), các nước giàu với mức phát thải lớn cam kết đến năm 2020 cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo hơn. Tuy nhiên, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đã quá thời hạn 2 năm mà cam kết này chưa được thực hiện đầy đủ và vẫn còn thiếu 17 tỷ USD. Các quốc gia phát triển tham gia các cuộc đàm phán tại COP27 nói rằng mục tiêu 100 tỷ USD sẽ đạt được vào cuối năm 2023.
Trong khi cam kết trên có hiệu lực đến năm 2025, thì các cuộc thảo luận về quy mô tài chính và liệu có mở rộng nhóm các nhà tài trợ ở giai đoạn tiếp theo đã được tiến hành. Tuy nhiên, sau hơn 1 thập kỷ kể từ khi cam kết đầu tiên được đưa ra tại COP15, quy mô tài chính ước tính đã tăng gấp nhiều lần và điều này có thể khiến các cuộc đàm phán trở nên khó khăn hơn.
Nghị sĩ Rosalinda Soipan Tuya của Kenya, đại diện cho nhóm đàm phán các quốc gia châu Phi, cho rằng cần phải ước tính số tiền cần thiết trong nửa cuối thập kỷ này "dựa trên nhu cầu". Bà ước tính đến năm 2030 con số lên đến hơn 1.300 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu.
Trong khi đó, đại diện các quốc gia đang phát triển khác không chỉ tập trung vào số tiền hỗ trợ mà còn cả điều kiện cung cấp tài chính. Một quan chức của Maldives đại diện cho Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS) cho rằng các khoản hỗ trợ cần được cung cấp theo hình thức viện trợ không hoàn lại và dễ tiếp cận. Hiện một số quốc đảo trong AOSIS đang đối mặt với nguy cơ biến mất trên bản đồ thế giới do mực nước biển dâng cao. Một số quốc gia khác cho rằng các khoản viện trợ không hoàn lại đang quá ít so với các khoản cho vay.
Về phía các nước giàu có, đặc phái viên khí hậu của Mỹ, ông John Kery nhấn mạnh "không có chính phủ nào trên thế giới có đủ tiền để làm những việc mà chúng ta phải làm để giành chiến thắng trong cuộc chiến này". Ông ước tính tổng số tiền cần thiết có thể lên đến 4.000 tỷ USD. Theo đó, ông cho rằng "phải thay đổi hoàn toàn cách nghĩ về phương thức huy động tài chính".